Việt Nam tham dự khóa họp WMO với trách nhiệm và vị thế mới ​

Đăng ngày: 07-06-2019 | Lượt xem: 1868
Việc Việt Nam tham dự Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 18 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, cam kết của nước thành viên tham gia WMO; đồng thời cũng thể hiện vị thế của Việt Nam trong tổ chức khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới.

 

PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn. (Ảnh: Bích Liên)

Trong các ngày từ 3-14/6/2019, tại Geneva Thụy Sỹ đã diễn ra Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 18 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Nhân dịp này, Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại WMO – PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phóng viên (PV): Nội dung của Khóa họp lần thứ 18 Đại hội đồng Khí tượng Thế giới bàn đến vấn đề gì, thưa ông?

PGS-TS Trần Hồng Thái: Từ năm 1951, WMO trở thành cơ quan chuyên ngành và là cơ quan phát ngôn chính thống của Liên Hợp quốc về khí tượng thủy văn tác nghiệp và các khoa học vật lý địa cầu liên quan. Tính đến nay, WMO có 192 thành viên (trong đó có 186 quốc gia và 6 vùng lãnh thổ), chia làm 6 Hiệp hội khu vực (gọi tắt RA): RA-I (châu Phi), RA-II (châu Á); RA-III (châu Nam Mỹ); RA-IV (Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Ca-ri-bê); RA-V (Tây Nam Thái Bình Dương); RA-VI (châu Âu). Việt Nam nằm trong RA-II.

Đại hội đồng của WMO được tổ chức 4 năm một lần. Đại hội Đồng là cơ quan quyền lực cao nhất của WMO nhằm quyết định các chính sách chung và thông qua kế hoạch chiến lược của WMO; bầu các chức danh chủ chốt của WMO như Tổng Thư ký, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Lãnh đạo các Ban Kỹ thuật của WMO. Đồng thời dự kiến thực hiện cải tổ toàn diện WMO như thành lập thêm các Ban mới như: Ban Tư vấn chính sách giúp tư vấn chiến lược, chính sách cho Hội đồng điều hành; Ban điều phối kỹ thuật nhằm thực hiện chức năng tương tác và phối hợp giữa Ban tư vấn chính sách và các Ban kỹ thuật, Ban Nghiên cứu và các đơn vị khác với Hội đồng điều hành liên quan đến các vấn đề kỹ thuật khí tượng thủy văn (KTTV). Đại hội đồng cũng thực hiện cơ cấu mới 05 Nhóm kỹ thuật thay vì 08 Nhóm Kỹ thuật hiện nay

PVKhóa họp lần thứ 18 của Đại hội đồng Khí tượng Thế giới có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động nghề nghiệp về KTTV trên thế giới và đặc biệt Việt Nam có tiếp cận được những gì từ những hoạt động quốc tế ý nghĩa này?

PGS-TS Trần Hồng Thái: Trong bối cảnh thế giới đang phải đương đầu với rất nhiều những thay đổi trái quy luật của tự nhiên, do biến đổi khí hậu. Thiên tai ngày càng khốc liệt, rủi ro vượt quá khả năng phục hồi của các quốc gia thì việc đoàn kết thống nhất và hợp tác kết nối không biên giới của giới nghiên cứu khí tượng toàn cầu đã và đang góp phần thiết thực nhất cho việc thực hiện khung hành động về giảm nhẹ rủi ro do thiên tai của Liên Hợp quốc.

Đây là diễn đàn tác nghiệp quan trọng giúp ích cho những người làm khí tượng thủy văn trên thế giới trao đổi, hợp tác và bàn định những kế hoạch chiến lược trong các hoạt động, hỗ trợ các nước nghèo, nước đang phát, tạo sự chủ động trong việc tham vấn với chính phủ các nước về xây dựng nền tảng cho phát triển chiến lược chủ động giám sát, giảm thiểu hiểm họa do thiên tai có nguồn gốc KTTV có thể gây ra cho cộng đồng.

Đối với Việt Nam, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của Tổng cục KTTV Việt Nam. Đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ và sự hợp tác hiệu quả của WMO và các quốc gia thành viên trong Dự án trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) cho khu vực Đông Nam Á đặt tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia của Việt Nam từ vài năm nay đã và đang hoạt động tốt và nhận được phản hồi tích cực từ các nước thụ hưởng. Hoạt động thành công của Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực, kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên của chúng tôi và cơ sở hạ tầng tốt là sự khởi đầu tốt đẹp để Tổng cục KTTV Việt Nam nhận vinh dự trở thành Trung tâm khu vực trong Hệ thống cảnh báo lũ quét.

PVThưa ông, nhân dịp đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Đại hội đồng Khí tượng Thế giới lần thứ 18 lần này, Tổng cục KTTV Việt Nam mong muốn đề xuất với WMO và các quốc gia thành viên sự hỗ trợ gì đối với hoạt động KTTV đặc thù của Việt Nam?

PGS-TS Trần Hồng Thái: Tham gia các chương trình của Đại hội đồng lần thứ 18 lần này, ngành KTTV mong muốn đề đạt tới WMO những vấn đề trọng tâm về KTTV liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước đối với các lĩnh vực hoạt động thiết thực của đời sống xã hội và đặc biệt là những vấn đề chiến lược vì mục tiêu phát triển đất nước, được thể hiện trong các mục tiêu đã được Việt Nam gửi đến Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới đó là: Sự hỗ trợ trong lĩnh vực khí tượng nông nghiệp; sự hỗ trợ của WMO trong việc nâng cao năng lực, làm chủ hệ thống SEAFFGS để Việt Nam có thể thay đổi dữ liệu đầu vào, cập nhật dữ liệu radar, chỉnh lý dữ liệu radar và dữ liệu vệ tinh, tích hợp các mô hình dự báo số trị, cập nhật dữ liệu địa hình mới và phân chia lại các lưu vực phụ; sự giúp đỡ của WMO để nghiên cứu, thiết kế và xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia theo tiêu chuẩn WMO…

Bên cạnh những nguyện vọng đề đạt trực tiếp với Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, ngành KTTV Việt Nam tham dự Khóa họp Đại hội đồng lần này cũng mong muốn mở rộng tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và hợp tác với các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của WMO.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: