Tham dự cuộc họp về phía Bộ Tư pháp có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có các Thứ trưởng: Trần Quý Kiên, Lê Công Thành cùng với lãnh đạo đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Khương Trung
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Thành Long đều đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, kể từ khi thành lập, công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách… luôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quá trình thực hiện công tác này, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn nhận được sự phối hợp, chia sẻ của Bộ Tư pháp.
Về công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Bộ Tư pháp sẽ phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và môi trường trong các công việc như: Lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công tác thẩm định các dự án Luật có liên quan… “Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn tin tưởng sẽ xây dựng được mối quan hệ hợp tác sâu sắc, toàn diện với Bộ Tư pháp để hai Bộ cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ Chính phủ giao…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật trong thời gian qua. Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: Bộ Tư pháp sẽ luôn đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định nhiệm vụ trong tâm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2019 và những năm tiếp theo để hai bên phối hợp thực hiện. Đồng thời, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác giải quyết thi hành án dân sự, công tác liên thông trong thủ tục hành chính… để hai bên hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Sau phát biểu của hai Bộ trưởng, trình bày báo cáo về tình hình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian qua, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc thực hiện công tác tư pháp đặc biệt là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật... trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Hai Bộ đã có những phối hợp tích cực, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp nói chung và công tác pháp chế thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các đơn vị trực thuộc của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể:
Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tài nguyên và môi trường, Bộ Tư pháp đã có những đóng góp, hỗ trợ quan trọng, đã tổ chức thẩm định 176 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo. “Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp luôn là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình các cấp có thẩm quyền ban hành” - báo cáo nêu rõ.
Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp trong quá trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; theo dõi việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tư pháp đã cử cán bộ có trình độ, chuyên môn phù hợp để phối hợp, theo sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Về công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; hợp nhất, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật... trong thời gian qua, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, phát hiện và đề xuất xử lý các văn bản trái pháp luật của địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương của Bộ Tư pháp, đồng thời tự kiểm tra văn bản do Bộ ban hành có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ kia.
Công tác pháp điển văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ quan tâm triển khai thực hiện; trên cơ sở công tác phối hợp, có ý kiến kịp thời về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành pháp điển đối với chủ đề quản lý đất đai. Đây là một công việc có khối lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn và là một trong những điểm nhấn đối với công tác pháp điển năm 2017. Trong 06 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định đề mục bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Trong quá trình thực hiện pháp điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn nhận được hỗ trợ của Bộ Tư pháp về nghiệp vụ thực hiện công tác pháp điển.
Quang cảnh cuộc họp chiều 5/7 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Khương Trung
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tích cực phối hợp Bộ Tư pháp trong việc triển khai các nhiệm vụ khác liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là đăng ký đất đai; thi hành án dân sự, hình sự; giám định tư pháp...
Bên cạnh những kết quả đạt được hai bên cũng chỉ ra những hạn chế như: công tác phối hợp ở một số lĩnh vực còn khiêm tốn, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật đã được phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật và chưa tập trung kiểm soát ngay từ khâu xây dựng để tránh tình trạng có văn bản trái pháp luật được ban hành; phối kết hợp trong công tác phổ biến giáo dục, pháp luật… chưa phát huy được lợi thế của hai bên...
Để làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tập huấn, hỗ trợ về mặt nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp xây dựng, thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường mang tính dài hạn. Về công tác theo dõi thi hành pháp luật, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi và trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ và cho một số công chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tại buổi làm việc, sau khi lãnh đạo các đơn vị trực thuộc phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Thành Long đã thống nhất hai Bộ sẽ cùng nhau xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp trong xử lý công việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa hai Bộ. Hai Bộ trưởng cũng giao Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng Pháp luật (Bộ Tư pháp) làm đầu mối phối hợp xây dựng quy chế phối hợp này để làm cơ sở cho công tác phối hợp thông suốt của hai ngành từ cấp Trung ương đến địa phương.
Nguồn: Báo TN&MT