Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11 năm 2017, Ngài Jan Szyszko, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ trưởng Môi trường Ba Lan về các lĩnh vực tài nguyên môi trường
Bộ trưởng Jan Szyszko chia sẻ, ông rất vui khi đến Việt Nam làm việc và nhận thấy rằng hiện nay Việt Nam rất quyết tâm xây dựng, thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang được làm rất tốt.
Bộ trưởng Jan Szyszko cho biết các lĩnh vực bảo vệ môi trường, các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, xử lý nước thải và ứng phó với biến đổi khí hậu... là các lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm phát triển (Bộ Môi trường Ba Lan hiện đang triển khai Chương trình GREENEVO nhằm hỗ trợ thúc đẩy và ứng dụng công nghệ xanh, bao gồm việc hỗ trợ tài chính, thủ tục pháp lý, quảng bá và đào tạo), do vậy sẽ hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong mục tiêu phát triển xanh hiện nay.
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Jan Szyszko cho biết trong thời gian sắp tới Ba Lan với vai trò là Chủ tịch COP 24 và Bộ trưởng Jan Szyszko đánh giá Việt Nam hiện nay trong khu vực Asean đang có vị trí và tiếng nói quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận chung Paris. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là tổ trưởng tổ biến đổi khí hậu của khu vực Asean, do vậy, phía Ba Lan sẽ gửi chương trình hành động của Ba Lan trong thời gian tới để Việt Nam và các nước Asean được biết để hội nghị COP 24 có thể thực hiện thỏa thuận chung Paris.
Vui mừng đón tiếp đoàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn sự giúp đỡ quý báu và hiệu quả mà nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước. Bộ trưởng cho biết, có nhiều lãnh đạo cũng như cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã học tập, nghiên cứu tại Ba Lan, và luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Ba Lan.
Được biết ngày 28/11/2017, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với Bộ trưởng Môi trường Ba Lan. Bộ trưởng cho rằng Bản ghi nhớ sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực tương đồng mà hai Bộ được Chính phủ giao quản lý và sẽ nâng tầm hợp tác giữa hai Bộ ngày càng bền chặt hơn nữa.
Bộ trưởng nhận thấy Việt Nam và Ba Lan có nhiều tiềm năng để hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó lĩnh vực Biến đổi khí hậu là một thế mạnh của Ba Lan mà Việt Nam cần học tập. Bộ trưởng đánh giá cao về công nghệ, kinh nghiệm của Ba Lan trong lĩnh vực mà ngài Jan Szyszko đang quản lý đặc biệt là cơ chế tài chính hợp lý và chặt chẽ. Việt Nam đã học tập theo để xây dựng Quỹ Môi trường Việt Nam trong suốt 13 năm vừa qua và được triển khai tại 63 tỉnh, thành.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan Jan Szyszko
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên có nhiều hợp tác Ngành toàn diện hơn nữa, trong đó ưu tiên số một là sự trao đổi về cơ chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, BĐKH. Bên cạnh đó, hai Bên sẽ tích cực hỗ trợ việc hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức, trung tâm nghiên cứu, trường đại học trực thuộc hai Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn hai Bộ sẽ làm đầu mối chia sẻ thông tin để cho các doanh nghiệp của Ba Lan đầu tư vào Việt Nam, tạo cơ hội để các doanh nghiệp của Việt Nam có thể hợp và với các doanh nghiệp Ba Lan. Bộ Môi trường Ba Lan, Việt Nam xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp Ba Lan hợp tác với đối tác Việt Nam thực hiện các dự án thí điểm, trình diễn công nghệ môi trường. Hai bên có thể thiết lập một đầu mối, cổng thông tin chung để giới thiệu cho những đơn vị, doanh nghiệp hai nước có thể tham khảo, định hướng và nắm bắt thông tin để tiến tới có những sự hợp tác toàn diện và chặt chẽ nhất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan Jan Szyszko
Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng Ba Lan với vai trò là Chủ tịch COP 24 được tổ chức vào năm 2018. Bộ trưởng chia sẻ Ba Lan sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với Fiji - Chủ tịch COP 23 và các nước có thể đàm phám thành công các hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Thỏa thuận Paris và đưa ra các bên ký kết tại COP 24.
Nguồn: Báo TN&MT