Điện Biên – địa phương đầu tiên áp dụng Kế hoạch hành động REDD+
Đăng ngày: 04-08-2014 | Lượt xem: 4564
Chiều ngày 1/8 tại Hà Nội, Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Kế hoạch hành động REDD+ (PRAP). Theo đó, Điện Biên là địa phương đầu tiên...
Chia sẻ tại buổi họp báo, đại diện của JICA – ông Egashira Eiji cho biết, REDD+ được hiểu là giảm phát thải khí nhà kinh thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng. Đây là sáng kiến quốc tế nằm trong Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. REDD+ được hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích từ việc bảo vệ rừng như bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng đầu nguồn, quản lý rủi ro thiên tai...
Nhận rõ lợi ích của REDD+, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP), quy định các kế hoạch hành động REDD+ sẽ được xây dựng và triển khai thí điểm cấp tỉnh trong giai đoạn 2011-2015. Điện Biên là tỉnh tiên phong khi ban hành Kế hoạch hành động cấp tỉnh dựa trên yêu cầu này.
Ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay, tình trạng phá rừng, mất rừng, suy thoái rừng ở Điện Biên đã và đang diễn ra mạnh mẽ. “Nếu không có biện pháp hữu hiệu, trong một vài năm tới, Điện Biên sẽ không còn rừng để mất nữa. Đây chính là một trong những nguyên nhân để Điên Biên thực hiện xây dựng Kế hoạch hành động REDD+”, ông Kỳ nói.
Với sự hỗ trợ của JICA, Điện Biên sẽ xây dựng và vận hành hệ thống quản lý và kỹ thuật thực hiện REDD+ tại các địa bàn thí điểm là hai xã: Mường Phăng, huyện Điện Biên và Mường Mươn, huyện Mường Chà. Từ năm 2014-2016, tỉnh sẽ triển khai giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu rừng, nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng của tỉnh.
Tham dự họp báo, ông Nguyễn Phú Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ việc triển khai Kế hoạch hành động của Điện Biên sẽ nhân rộng ra 8 tỉnh khác trong cả nước. Được biết, cơ quan quản lý Kế hoạch hành động quốc gia REDD+ bao gồm các Bộ: Bộ Nông nghiệp va Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính. Chương trình nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức đa phương như UN-REDD, Quỹ Đối tác Các bon trong lâm nghiệp (FCPF), các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Đức, Úc, các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức phát triển Hà lan (SNV), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Trung tâm nông lâm thế giới (ICRAF), Forest Trends.
Theo Bộ TN&MT