Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã tiếp và làm việc với ông Mikael Lilje Phó chủ tịch Đoàn Hiệp hội Trắc địa Thế giới
Tham dự buổi tiếp và làm việc cùng với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân có Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Ông Vũ Văn Long, Phó Chánh Văn phòng Bộ; Ông Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Ông Lưu Văn Năng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Quản lý đất đai;
Về phía Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam có Ông Trần Bạch Giang, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam; Ông Trịnh Anh Cơ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam; Ông Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam.
Qua chuyến thăm và làm việc lần này của Phó chủ tịch Mikael Lilje, Đoàn FIG muốn thống nhất với Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam về những vấn đề liên quan đến chủ đề của FIG Working Week 2019. Hai bên sẽ thảo luận về chương trình, cơ sở vật chất của các địa điểm tổ chức các sự kiện và gặp gỡ với Ban Tổ chức địa phương cùng các đơn vị có liên quan để dần hình thành các chủ đề cho các phiên họp toàn thể và các phiên họp theo Tiểu ban.
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc
Trao đổi với Thứ trưởng, ông Mikael Lilje cho biết Đoàn Hiệp hội Trắc địa Thế giới (FIG) trước đây hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học Trái Đất bằng kỹ thuật địa vật lý và trắc địa, đo đạc bản đồ. Hiện nay FIG hoạt động thêm cả lĩnh vực đất đai và đô thị thông minh. FIG rất mong muốn quan hệ hợp tác lâu dài với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời mong muốn Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ chương trình FIG Working Week 2019.
Chào đón ông Mikael Lilje và các thành viên Đoàn công tác đến Việt Nam và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như với một số đơn vị liên quan thuộc Bộ. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của FIG đối với Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong thời gian qua.
Thứ trưởng khẳng định ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc tổ chức FIG Working Week 2019 tại Việt Nam và cho biết Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn ủng hộ đối với việc tổ chức FIG Working Week 2019 tại Việt Nam.
Thành lập Ban Tổ chức địa phương: Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam đã có Quyết định số 27/QĐ-HTĐBĐVT thành lập Ban Tổ chức địa phương gồm 11 thành viên do ông Trịnh Anh Cơ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, làm Trưởng Ban. Ban Tổ chức địa phương gồm các Tiểu ban: Hợp tác quốc tế, Khoa học công nghệ và Hậu cần.
Tổ chức Mạng lưới các nhà Trắc địa trẻ Việt Nam (Viet Nam Young Surveyor). Cử đoàn đại biểu của Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam tham dự FIG Working Week 2017 tại Phần Lan và đang chuẩn bị cử đoàn tham gia FIG Congress 2018 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Với sự nỗ lực và chuẩn bị chu đáo từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn ông Mikael Lilje với vai trò là Phó Chủ tịch FIG tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công FIG Working Week 2019 tại Hà Nội, đồng thời là cầu nối cho sự hợp tác giữa FIG với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường bền chặt, phát triển hơn nữa. "FIG Working Week 2019 sẽ thúc đẩy và tăng cường hội nhập quốc tế cho những người đang làm công tác trắc địa, bản đồ, viễn thám và quản lý đất đai Việt Nam" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
FIG là tên gọi tắt của Hiệp đoàn Trắc địa thế giới theo tiếng Pháp (Federation de Geometres International). Tên gọi tiếng Anh là International Federation of Surveyors. Thành lập năm 1878, FIG được Lien hợp quốc nhìn nhận là tổ chức quốc tế lớn nhất của các nhà trắc địa, bản đồ, viễn thám, quản lý đất đai trên thế giới với 105 hội viên các loại (associate, affiliate, corporate và academic) của 88 nước trên thế giới. Ngoài Đại hội FIG tổ chức 4 năm một lần, hàng năm FIG tổ chức Hội nghị FIG Working Week (FIG WW) luân phiên tại các châu lục theo kết quả lựa chọn qua tài liệu đấu thầu và bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Đại hội FIG hoặc của Hội nghị FIG Working Week. Việt Nam đã vượt qua các nước Thuỵ Sỹ, Ai len và Kênya trong phiên họp toàn thể của FIG WW 2015 tổ chức tại Bulgaria để trở thành nước chủ nhà tổ chức Hội nghi FIG WW 2019. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ Với mục đích thúc đẩy và tăng cường hội nhập quốc tế cho những người đang làm công tác trắc địa, bản đồ, viễn thám và quản lý đất đai (sau đây gọi tắt là các nhà trắc địa) Việt Nam, qua kinh nghiệm tham gia các hoạt động hàng năm của VGCR với FIG, VGCR đã hết sức cố gắng để được tổ chức Hội nghị FIG Working Week tại Việt Nam. Việc tổ chức Hội nghị tại Viêt Nam sẽ có những ý nghĩa và lợi ích thiết thực sau. Tạo điều kiện cho các nhà trắc địa Việt Nam tiếp xúc với các nhà trắc địa trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, đặc biệt với các nhà trắc địa trẻ vì cho đến nay, việc các nhà khoa học Việt Nam được tham gia các Hội nghị Khoa học quốc tế là hết sức khó khăn do không có kinh phí và yếu về tiếng Anh. Là cơ hội để Việt Nam tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý đới ven bờ... là những vấn đề hết sức nóng và khó khăn với các nhà trắc địa Việt Nam. Là cơ hội để VGCR đào tạo cán bộ thay thế do sự hẫng hụt thế hệ các nhà trắc địa tại Việt Nam. 4/ Nâng cao vị thế, hình ảnh và kinh nghiệm của VGCR để trong tương lai có thể đăng ký tổ chức Đại hội FIG. |
Nguồn: Báo TN&MT