Hợp tác ứng phó thiên tai, chống thất thu thuế và chuyển dịch lợi nhuận

Đăng ngày: 22-10-2017 | Lượt xem: 978
(TN&MT) – Đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức tài chính quốc tế đã dành mối quan tâm đặc biệt về các vấn đề đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; tài chính...

 - 

Cuộc gặp song phương Việt Nam - IMF

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như: hạn hán, lũ lụt. Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích trên 300 người, làm xáo trộn cuộc sống của người dân, thiệt hại về kinh tế ước tính 1 - 1,5% GDP. 

Các chuyên gia nhận định: khi thiên tai xảy đến, việc huy động tài chính một cách nhanh chóng, tiếp cận mang tính chiến lược cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Qua đó, góp phần tái thiết các công trình xây dựng, hỗ trợ tài chính nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân giúp tăng trưởng bền vững.

Theo đó, bảo hiểm rủi ro chính là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai. Quản lý tài chính hiệu quả trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang đối mặt với nhiều hệ lụy do biến đổi khí hậu, không chỉ riêng Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mục tiêu của Việt Nam là dần dần tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế  trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm nâng cao các chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ Tài chính mong muốn các tổ chức tài chính tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng triển khai các hợp tác trong các lĩnh vực đã ưu tiên và có lợi ích chung giữa hai bên.

Từ nay đến 2020, Việt Nam và nhiều nền kinh tế trong APEC tham gia vào các hiệp định thương mại tự do sẽ bước vào giai đoạn xóa bỏ hàng rào thuế quan hoặc cắt giảm sâu nhiều loại thuế. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu ngân sách nhà nước.

Do đó, trước hết Việt Nam cần phải có khung pháp lý vững chắc như về chống chuyển giá, đưa ra các cơ chế tính giá trong giao dịch của các công ty. Một biện pháp quan trọng nữa là xây dựng nguồn lực của các cơ quan thuế để đi vào hoạt động hiệu quả hơn.

Chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang ở những giai đoạn rất phức tạp, liên quan đến các công ty đa quốc gia. Thực tiễn xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) là vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương.

Theo đó, việc đưa nội dung chống thất thu thuế và dịch chuyển lợi nhuận vào Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC là vô cùng cần thiết, để các nền kinh tế tìm được tiếng nói chung trong triển khai các giải pháp xây dựng hệ thống thu ngân sách bền vững và hiệu quả.

                                                                                            Nguồn: Theo Dương Bùi - Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: