Công tác hợp tác quốc tế (HTQT) của ngành KTTV có sự thay đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong những năm gần đây, quan hệ HTQT trong lĩnh vực KTTV đã thực sự bước sang một giai đoạn mới: Toàn diện, đa phương, đa dạng và hiệu quả cao. Công tác Khí tượng Thủy văn đã tăng cường đã được định hướng không chỉ chiều rộng mà còn đi vào chiều sâu, chúng ta không chỉ thu nhận những thông tin quốc tế, mà chúng ta đã đóng góp cho quốc tế cả về nguồn lực về nhân lực, tài chính và sản phẩm công nghệ. Ngành KTTV đang vươn tầm ra và nâng cao chất lượng của các hoạt động, và có thể khẳng định khả năng dự báo đang tiệm cận với công nghệ, trình độ của nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tổng cục KTTV Việt Nam và Tổng cục KTTV Hàn Quốc ký kết Biên bản ghi nhớ năm 2021
Ngành KTTV nước ta tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác đa phương với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng – Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG), Trung tâm Khí hậu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APCC)….
Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á, Đại diện thường trực của Tổ chức Khí tượng thế giới tại Việt Nam, tổ chức tham gia các cuộc họp quan trọng của Hội động điều hành RAII. Việt Nam thực hiện công tác phát báo quốc tế thường kỳ đảm bảo được nhiệm vụ chia sẻ số liệu tham gia WMO. Chủ động kết nối và thực hiện các chương trình trao đổi với WMO thông qua các công cụ họp trực tuyến nhằm chuẩn bị và thực hiện các nhiệm vụ của Việt Nam tại WMO. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành KTTV trên phạm vi quốc tế và khu vực. Thực hiện tốt vai trò đầu mối trong Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á; Chương trình cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á góp phần cung cấp kịp thời các bản tin dự báo hỗ trợ các nước thành viên trong hoạt động dự báo tác nghiệp, tăng cường vai trò của Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực đối với khu vực Đông Nam Á.
Đối với Ủy ban Bão, ngành KTTV hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2017 và Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2018; tổ chức thành công Khóa họp lần thứ 50 của Ủy ban Bão; tổ chức Cuộc hội kiến giữa Tổng Thư ký WMO với Phó Thủ tướng chính phủ; Hội thảo kỹ thuật hưởng ứng thành lập 50 năm Ủy ban Bão và hoạt động tiếp xúc song phương bên lề,... Các sự kiện đều được tổ chức thành công và gây được tiếng vang với các bạn bè quốc tế. Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục thực hiện và trò và trách nhiệm của mình khi tham dự và thảo luận định hướng tại Khóa họp trực tuyến thường niên lần thứ 53; cuộc họp nhóm Nghiên cứu và Đào tạo; Hội thảo trực tuyến Hợp nhất.
Đối với Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG): Việt Nam đã khẳng định vai trò thông qua việc góp ý kiến triển khai thực hiện APASTI; Đóng góp sáng kiến tại hội nghị, diễn đàn của ASCMG; Báo cáo hoạt động đã thực hiện vai trò thành viên ASCMG của Khung APASTI. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác của ASCMG trong việc xây dựng các bản tin cho tạp chí khí hậu của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN; đóng góp tích cực đối với hoạt động nhận định khí hậu mùa ASEAN thông qua việc tham dự Diễn đàn nhận định khí hậu mùa ASEAN 2 lần/năm. Trong năm 2021, Tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 42 của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN từ 10-11/11/2021.
Trong quan hệ hợp tác song phương, ngành KTTV tiếp tục duy trì, phát triển tốt quan hệ hợp tác truyền thống với Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Cam-pu-chia, Hồng Công, Trung Quốc. Với Hàn Quốc, Dự án “Hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV cho Đài KTTV khu vực Đông Bắc” đã được triển khai thành công, tăng cường năng lực cho cơ quan KTTV cấp tỉnh của khu vực Đông Bắc. Trong năm 2021 Việt Nam đã tiếp tục xây dựng hợp tác về dữ liệu ra-đa, vệ tinh, dự án ODA, dự báo cảnh báo KTTV. Đặc biệt là ký kết Biên bản hợp tác của 2 nước tại Cuộc họp song phương lần thứ 6.
Thực hiện hợp tác với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản JICA và các chuyên gia trong việc triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra” sử dụng nguồn vốn viện trợ từ chính phủ Nhật Bản đầu tư xây dựng 2 tháp Radar tại Vinh - Nghệ An và Phủ Liễn - Hải Phòng; cung cấp, lắp đặt 2 thiết bị Radar thời tiết băng sóng S cho 2 tháp Radar; cung cấp, lắp đặt 1 trạm đo gió cắt lớp tại Chí Linh,…
Với Trung Quốc: Ngành đã trao đổi, thống nhất nội dung ký mới của Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài TNMT Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc về trao đổi số liệu thủy văn vùng biên; báo cáo kết quả thực hiện nội dung hợp tác lần thứ 12 và chuẩn bị nội dung cho cuộc họp Tổ công tác liên hợp hợp tác khoa học khí tượng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 13 (dự kiến năm 2022).
Ngành đã phối hợp, hỗ trợ giúp các bạn Lào, Campuchia anh em trong việc đào tạo cán bộ chuyên môn, phát triển mạng lưới trạm KTTV, xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực KTT.
Ngoài ra Tổng cục đã có những ký kết và xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án, các Bản ghi nhớ hợp tác với các nước Bạn: Phần Lan, Na Uy, Bỉ, Nhật Bản, Niu-di-lân, Anh Quốc, I-ta-li-a, Pháp…
Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, công tác xây dựng trang thiết bị, các dự án chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu đã tạo nhiều cơ hội cho ngành KTTV Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tích cực vào quá trình phát triển và hiện đại hóa. Đây cũng là nơi, Việt Nam công bố, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, bài học kinh nghiệm của Việt Nam đến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời thông qua các hoạt động này, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
Bùi Dịu