Kỷ niệm ngày Ngày Khí tượng Thế giới 23/3

Đăng ngày: 21-03-2014 | Lượt xem: 1152
Sáng ngày 21/3, Tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ niệm Ngày Khí tượng thế giới. Tham dự có Thứ Trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, đại diện lãnh đạo Cục KTVT&BĐKH, Trung tâm KTTV Quốc gia,...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại buổi lễ

Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm nay “Thời tiết và Khí hậu: Giới trẻ cùng hành động” với mục đích nêu cao vai trò quan trọng, tích cực của giới trẻ trong vấn đề thời tiết khí hậu; đồng thời kêu gọi sự tham gia của nhóm đối tượng này trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách liên quan.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Tổ chức Khí tượng Thế giới khẳng định ngày càng có nhiều bằng chứng về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu với các hoạt động của con người, đặc biệt là sự gia tăng trong khí quyển nồng độ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, nồng độ khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác trong bầu khí quyển vẫn tiếp tục không ngừng gia tăng và đang đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay sẽ đưa chúng ta đến một kết cục là hành tinh sẽ nóng lên rất nhiều (vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ có thể tăng 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp). Mục tiêu giữ cho nhiệt độ tăng không quá 2 độ C vẫn có thể đạt được, nhưng cần phải nhanh chóng cắt giảm đáng kể phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Cũng tại buổi lễ này Ông Lê Công Thành Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất; bão và áp thấp nhiệt đới tăng về cường độ và hoạt động trái quy luật; lũ lụt, lũ quét gia tăng về tần suất và phạm vi ảnh hưởng; hạn hán kéo dài; triều cường dâng cao. Ở nước ta trong năm 2013, nhiều hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm đã xuất hiện và phá vỡ các mốc lịch sử trong hơn 50 năm qua: Bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông nhiều nhất (với 19 cơn bão và ATNĐ) và có bão mạnh nhất hoạt động trên biển Đông; mưa đá, dông lốc xảy ra liên tục ở vùng núi phía Bắc, có nơi đường kính hạt mưa đá lên tới 6 -7cm; giữa tháng 12 tại Lào Cai và Hà Giang xuất hiện mưa tuyết kéo dài, nhiều nơi tuyết dày hơn 30cm; dòng chảy các sông trong mùa cạn trên cả nước luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 50%; đỉnh lũ trên phần lớn các sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 15 đến ngày 17/11 đã vượt lũ lịch sử; triều cường trên sông Sài Gòn lập mức lịch sử mới là 1,68m.

Được đánh giá là siêu bão với sức tàn phá hủy diệt và diễn biến bất thường, siêu bão Haiyan đã khiến hơn 6.000 người dân thiệt mạng, hàng loạt nhà cửa, cơ sở vật chất bị phá hủy hoàn toàn tại Philipin. Siêu bão Haiyan được nhận định là cuộc diễn tập xử lý trường hợp khẩn cấp trên diện rộng ở nước ta. Cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử, với sự tham gia của hàng triệu người dân, cùng với hệ thống chính trị, tất cả các ngành nghề, địa phương cùng dốc sức tham gia. Tuy nhiên, từ đây cũng đã cho thấy nhiều vấn đề mới xuất hiện trong công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta và nhất thiết cần phải đẩy mạng các hoạt động tăng cường công tác cảnh báo, dự báo các thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Hiện nay, Trung tâm KTTV quốc gia đang triển khai thực hiện đề án “Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo giai đoạn 2010-2012” nhằm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực của hệ thống quan trắc và dự báo KTTV, trọng tâm là năng lực dự báo bằng mô hình số trị và dự báo cực ngắn, nhằm nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ một cách tích cực hơn các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng tại Lễ kỷ niệm, ông Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, Giám đốc dự án VNCLIP - cho biết: “Đặc điểm nổi bật của dự án VNCLIP là sự hợp tác giữa các bộ, đồng thời thông qua đó tăng cường năng lực của các cơ quan đầu mối về BĐKH của 5 bộ chủ chốt. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về những định hướng mới của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và các bon thấp đã được khởi động”.

Đánh giá về những đóng góp của VNCLIP vào việc thực hiện các chiến lược về BĐKH ở Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Do tính chất liên ngành của BĐKH và tăng trưởng xanh, việc thực hiện các chính sách về khí hậu vẫn còn đang phát triển và sẽ có hiệu quả hơn nếu tăng cường năng lực thể chế và phối hợp giữa các bộ ngành và các tỉnh, bao gồm giám sát, đánh giá và báo cáo; tăng cường kiến thức và thông tin giúp ra quyết định về BĐKH và tăng trưởng xanh cùng với việc phân bổ ưu tiên ngân sách phù hợp với các chính sách khí hậu quốc gia. VNCLIP, được tài trợ bởi DFID, đóng vai trò quan trọng giúp Chính phủ sẵn sàng thực hiện các chiến lược về BĐKH”./

 Bài và ảnh: N.H

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: