PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai của Việt Nam hiện nay?
Ông Dale Barker: Chúng tôi có mặt ở Hà Nội tìm hiểu về năng lực cảnh báo để Việt Nam và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, có thể hợp tác trong lĩnh vực khí hậu, thời tiết với sự tài trợ của Quỹ Newton Fund của Vương quốc Anh. Quỹ này với mục tiêu nghiên cứu, tìm hiểu những xu thế mới nhất của thời tiết địa phương và thời tiết toàn cầu để hiểu biết hơn về các tác động của thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới bằng cách kết nối các nhà khoa học khí tượng của Việt Nam, của khu vực và của Vương quốc Anh nhằm có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc đối đầu với thời tiết nguy hiểm.
Chúng tôi rất ấn tượng với cơ sở vật chất của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, điều này phần nào thể hiện được những bước tiến mới của Việt Nam trong công tác dự báo thời tiết. Tôi rất ấn tượng với những công nghệ hiện đại của Tổng cục được trang bị trong dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là hệ thống ra đa, ảnh vệ tinh, hệ thống quan trắc số liệu. Chúng tôi tin tưởng, với sự tiến bộ như vậy, Việt Nam sẽ ngày càng nâng cao chất lượng dự báo thời tiết nói chung và thiên tai nói riêng.
PV: Tổ chức Khí tượng Anh có kế hoạch hợp tác với ngành khí tượng Việt Nam như thế nào để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành cho công tác dự báo trong khu vực, thưa ông?
Ông Dale Barker: : Chúng tôi đến đây để cùng hợp tác và nghiên cứu các công nghệ dự báo, đặc biệt là các hệ thống mô hình, hệ thống quan trắc số liệu để có thể cùng Việt Nam nâng cao hơn nữa khả năng dự báo thời tiết, đặc biệt là thiên tai trong tương lai.
Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều hợp tác giữa hai cơ quan, trên thực tế, trong tuần này, chúng tôi có mặt ở Hà Nội thông qua sự tài trợ của Quỹ Newton Fund để cùng với Tổng cục Khí tượng Thủy văn tìm ra những cơ chế hợp tác mới giữa hai bên, đặc biệt là trong các vấn đề về dự báo thời tiết, biến đổi khí hậu. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự phối hợp giữa Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh đối với công tác dự báo, cảnh báo khí hậu của Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, việc hiện đại hóa và mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác dự báo là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, Chương trình Weather Climate Science for Service Partnership cho khu vực Đông Nam Á là chương trình nghiên cứu khoa học thời tiết, khí hậu hỗ trợ cho các đối tác của Vương quốc Anh được tài trợ thông qua Quỹ Newton Fund cho khu vực Đông Nam Á. Đây là một phần trong những nỗ lực của Vương quốc Anh đối với các đối tác như Trung Quốc, Brazil, Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển dự báo thời tiết, khí hậu, để các nước có thể sẵn sàng dự báo, ứng phó với những thiên tai thường xảy ra trong khu vực.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch của dự án hợp tác này?
Ông Dale Barker: WCSSP viết tắt của Weather Climate Science for Service Partnership cho khu vực Đông Nam Á là chương trình nghiên cứu khoa học thời tiết, khí hậu hỗ trợ cho các đối tác của Vương quốc Anh được tài trợ thông qua Quỹ Newton Fund cho khu vực Đông Nam Á là một phần trong những nỗ lực của Vương quốc Anh đến các đối tác như Trung Quốc, Brazil, Việt Nam.
Thông qua chương trình này, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh mong muốn và luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam nói riêng và các nước khu vực Đông Nam Á nói chung nhằm thúc đẩy phát triển dự báo thời tiết, khí hậu, để các nước có thể sẵn sàng dự báo, ứng phó với những thiên tai thường xảy ra trong khu vực.
PV: Trân trọng cám ơn ông!
Tổng cục Khí tượng Thủy văn mở rộng hợp tác quốc tế Năm 2019, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế được Bộ giao trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác đa phương với: Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm Khí hậu APEC; Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh; Thực hiện đầy đủ vai trò của nước thành viên tham gia ASEAN; tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc. Triển khai thực hiện hiệu quả các biên bản hợp tác quốc tế đã được ký kết với các đối tác song phương và đa phương. Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện kế hoạch hiện đại hóa ngành Khí tượng Thủy văn thông qua việc triển khai thực hiện những dự án, chương trình hợp tác với các hợp tác song phương với: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á, RIMES; Chương trình MAHASRI, SOWER/Pacific và các hợp tác khác như Na Uy, Phần Lan... Mở rộng hợp tác với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) trong các lĩnh vực dự báo thời tiết nguy hiểm (đặc biệt là bão), dự báo thời tiết mô hình số, dự báo khí tượng thủy văn biển, dự báo khí tượng hạn dài, vệ tinh khí tượng, trao đổi thông tin khí tượng, đào tạo cán bộ; Cơ quan Khí tượng Hồng Kông (HKO), Cơ quan Khí tượng Phần Lan, Cơ quan Hợp tác Phát triển Nhật Bản (JICA). |
Nguồn: Báo TN&MT