Tham dự Kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Sonexay Siphandone; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Khamjane Vongphosy cùng nhiều Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thongloun Sisoulith và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào sang thăm Việt Nam và tham dự Kỳ họp; nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực trong năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội mỗi nước, việc hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc, điện đàm cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu là minh chứng cho nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hai nước dành cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào.
Căn cứ Biên bản ghi nhớ (MoU) ký kết giữa hai bên năm 2016, nhận thấy lợi ích chung của cả hai nước trong việc thiết lập hợp tác trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ký kết MoU ngày 06/12/2020 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước nhằm thúc đẩy sự hợp tác về dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai giữa các bên. Qua đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào nâng cao năng lực dự báo thời tiết hàng ngày và cảnh báo thiên tai; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai của cả nước và khu vực.
Ảnh: Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Sommad Pholsena ký kết và trao đổi Bản ghi nhớ hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Công lý)
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam giao Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào giao Cục Khí tượng Thủy văn thực hiện. Hai cơ quan trên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ cả hai bên và các đối tác phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để tiến hành xây dựng các hoạt động theo kế hoạch thực hiện cho các lĩnh vực hợp tác được thỏa thuận tại MoU, tập trung chính vào các nội dung: Chia sẻ dữ liệu khí tượng và thủy văn, nhưng không giới hạn về dữ liệu ra đa thời tiết, dữ liệu sét và dữ liệu trạm bề mặt; chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn (mưa, mực nước, lưu lượng) tại các khu vực cụ thể: sông Nam Ma, tỉnh Houaphanh, CHDCND Lào (thượng nguồn sông Mã - tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam), sông Nam Neun and Nam Mo, tỉnh Xiang Khouang, CHDCND Lào (thượng nguồn sông Cả - Nghệ An, Việt Nam) để hỗ trợ công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hai bên đồng ý bổ sung khẩn cấp tình hình thủy văn cho nhau nếu giá trị của mực nước và lượng mưa vượt quá ngưỡng giá trị bình thường.
Bộ TN&MT Việt Nam sẽ cung cấp cho Bộ TN&MT Lào thông tin và cảnh báo về thời tiết nguy hiểm; các sản phẩm thời tiết số trị có độ phân giải cao thông qua Tiểu dự án Khu vực Đông Nam Á thuộc Chương trình Dự báo Thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á (SWFP-SeA), trong đó, Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) giao chủ trì là Trung tâm Hỗ trợ Dự báo Khu vực (RFSC Hà Nội).
Bộ TN&MT Việt Nam sẽ cung cấp cho Bộ TN&MT Lào các sản phẩm cảnh báo lũ quét thông qua Hệ thống Dự báo Lũ quét Đông Nam Á (SeAFFGS) mà Việt Nam được WMO giao làm Trung tâm Khu vực; hỗ trợ Bộ TN&MT Lào lập bản đồ lũ lụt và ngập lụt.
Cùng với đó, Bộ TN&MT Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT Lào nâng cao năng lực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và cảnh báo thiên tai thông qua các khóa đào tạo và chia sẻ chuyên môn. Trong đó, các chủ đề của khóa đào tạo không giới hạn: Mô hình thủy văn bao gồm cả mô hình lũ và ngập lụt; dự báo khí tượng bao gồm dự báo thời tiết số trị, vận hành hệ thống dự báo; đào tạo chuyên sâu về ứng dụng mô hình dự báo thời tiết cho lãnh thổ của Lào.
Biên bản ghi nhớ này được ký bởi đại diện có thẩm quyền hợp pháp của hai bên, sẽ có hiệu lực trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký và được gia hạn thêm 5 năm.
Hai bên tin tưởng rằng sau sự ký kết thành công của MoU sẽ tạo động lực mới giúp quan hệ hợp tác về lĩnh vực khí tượng thủy văn ngày càng phát triển. Tổng cục Khí tượng Thủy văn là đầu mối thực hiện, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa hai nước.
Tổng hợp Tin: Thanh Hiền