Cảnh báo sớm cho tất cả (EWS4AL)
Tổng thư ký WMO nhấn mạnh, một trong những trọng tâm chính cho giai đoạn tiếp theo là xây dựng sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả (EWS4AL). Tháng 3 năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã giao nhiệm vụ cho WMO chuẩn bị một kế hoạch hành động cho giai đoạn 2023-2027 để đạt được mức độ bao phủ 100% các dịch vụ cảnh báo sớm trên toàn cầu. Hiện tại, chỉ một nửa trong số 193 thành viên của WMO có hệ thống cảnh báo sớm hiện đại (EWS). Tại COP-27 do Ai Cập chủ trì tổ chức tại Sharm El Sheikh, sáng kiến EWS4ALL đã được các quốc gia thành viên UNFCCC tán thành một cách rõ ràng tại quyết định tổng thể và kêu gọi các chính phủ cũng như tổ chức tài chính tham gia. "Đây là lần đầu tiên các cảnh báo sớm và hệ thống quan trắc được đặc biệt chú ý và là minh chứng cho sự gắn kết chặt chẽ của WMO với chủ tịch COP 27 và nhóm hành động khí hậu của Liên hợp quốc trong nhiều tháng qua", ông nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) GS. Petteri Taalas
Để đạt được phạm vi bao trùm 100 % của EWS trong vòng 5 năm, cần phải đầu tư vào các trạm quan trắc cơ bản về khí tượng, khí hậu và thủy văn. WMO, UNDP và UNEP đã thành lập Quỹ tài chính phục vụ hoạt động quan trắc KTTV (SOFF), quỹ này đã bắt đầu các hoạt động đầu tư của mình ở các nước quốc đảo nhỏ (SIDS) và nước kém phát triển (LDC). Thiếu hụt dữ liệu quốc gia có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tính chính xác của các dự báo và cản trở việc lập kế hoạch thích ứng với khí hậu. Ví dụ, IPCC không thể đưa ra những thay đổi về tần suất hạn hán hoặc lũ lụt ở nhiều nơi trên thế giới do thiếu dữ liệu quan trắc. Ngoài ra cần phải nâng cao khả năng nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ thời tiết/thủy văn và đầu tư vào các hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin liên quan. Nhờ chương trình WMO, Ngân hàng Thế giới và UNDRR đang diễn ra, một số công việc đã được thực hiện để đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm quốc gia. Sáng kiến CREWS cần được nhân rộng để đạt được mức EWS cần thiết.
WMO cũng đã và đang thúc đẩy một phương pháp mới để giám sát sự hấp thu và các nguồn carbon dioxide, metan và nitơ oxit bằng cách sử dụng Chương trình theo dõi khí quyển toàn cầu, vệ tinh và mô hình đồng hóa. Điều này cho phép hiểu rõ hơn về hoạt động của các khí nhà kính chính trong bầu khí quyển thực. WMO đã tăng cường báo cáo hiện trạng khí hậu, một phần trong sự hợp tác với IPCC, mà WMO đang tổ chức với UNEP. Vào năm 2022, các báo cáo về hiện trạng khí hậu toàn cầu và khu vực đã được công bố, trong đó cũng đề cập các thảm họa chính. WMO cũng đã công bố một báo cáo năng lượng chứng minh sự nhạy cảm của các nhà máy điện hóa thạch, thủy điện và hạt nhân đối với sự biến đổi và thay đổi khí hậu.
Vào tháng 11, WMO đã công bố báo cáo tài nguyên nước toàn cầu đầu tiên mô tả tình trạng và xu hướng của nước ngầm, dòng chảy và sự tan chảy của sông băng. Nhiều tác động của biến đổi khí hậu được nhận thấy qua nước. Nhu cầu về nước cũng đang tăng lên do sự gia tăng dân số, trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, nguồn nước sẵn có đang giảm dần. Hiện tại, khoảng 25% dân số thế giới đang gặp phải các vấn đề về nước và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. WMO sẽ đóng góp cho Hội nghị về Nước của Liên Hợp Quốc từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3 tại New York và thúc đẩy hỗ trợ cho Dịch vụ Cảnh báo sớm quốc gia, vì nước là một yếu tố quan trọng.
Tăng cường chuẩn bị cho những sự kiện cực đoan
Năm nay chúng ta đã phải đối mặt với một số thảm họa thời tiết nghiêm trọng. Một phần ba Pakistan bị ngập lụt với thiệt hại nặng nề về kinh tế và thương vong về người. Các đợt nắng nóng và hạn hán kỷ lục đã được quan sát thấy ở Trung Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ và Sừng Châu Phi (Vùng đất Sừng châu Phi là một bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Ả Rập vài trăm km và nằm dọc theo bờ phía nam của Vịnh Aden). Madagascar đã phải đối mặt với số lượng kỷ lục các cơn bão nhiệt đới với thiệt hại do gió và lũ lụt lớn. Tất cả những điều đó đã dẫn đến thương vong cho con người, mất năng suất và tác động tiêu cực trong một số lĩnh vực của xã hội, như y tế, nông nghiệp/an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng, nhà ở và năng lượng. Bên cạnh Pakistan, những tác động nghiêm trọng nhất đã được ghi nhận ở Ethiopia, Eritrea và Kenya, nơi hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra trong năm thứ ba liên tiếp.
Cần phải tăng cường sự chuẩn bị cho những sự kiện cực đoan như vậy. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chứng minh rằng cần có các mô hình khí hậu quy mô hàng km để mô tả sự tồn tại và rủi ro của các sự kiện thời tiết có tác động lớn. Các mô hình khí hậu được sử dụng phổ biến nhất rất hữu ích trong việc mô phỏng những thay đổi của khí hậu trung bình, trong khi nhiều tác động tàn khốc nhất được ghi nhận thông qua các sự kiện cực đoan như đã quan sát được trong năm nay. Ngoài ra, cần phải mô phỏng lượng mưa và sự tan chảy của sông băng với độ phân giải cao hơn. Do đó, WMO và một số viện lập mô hình khí hậu đã quyết định thúc đẩy việc thành lập một trung tâm lập mô hình khí hậu ảo hoặc vật lý với nguồn tài nguyên máy tính hiệu suất cao và đội ngũ nhân viên khoa học/kỹ thuật có chuyên môn cao.
Chuẩn bị Đại hội Khí tượng Thế giới lần thứ 19
WMO sẽ tổ chức Đại hội Khí tượng Thế giới lần thứ 19 từ ngày 22 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 năm 2023 tại Geneva. Tại dịp này, chiến lược, kế hoạch hoạt động và ngân sách cho giai đoạn 2024-2027 sẽ được quyết định. Ngoài ra, các cuộc bầu cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và Hội đồng điều hành sẽ diễn ra. Các thành viên được kỳ vọng sẽ chọn ra những ứng cử viên có năng lực và tích cực cho những vị trí đó, đó là những yếu tố thành công quan trọng cho tương lai của WMO. Các cuộc thảo luận và quyết định về kế hoạch chiến lược và ngân sách cũng sẽ là cơ hội để ưu tiên các sáng kiến quan trọng như Cảnh báo sớm cho tất cả, đây sẽ là hoạt động cốt lõi của chúng tôi trong giai đoạn tài chính sắp tới.
Tạp chí KTTV tổng hợp