Tổng cục Khí tượng Thủy văn làm việc với Ban dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam, giai đoạn III” (PROMOSERV3)

Đăng ngày: 04-06-2021 | Lượt xem: 8871
Chiều ngày 4/6/2021, Viện Khí Tượng Phần Lan (FMI) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với ban dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam, giai đoạn III” (PROMOSERV3) trao đổi về các nội dung đã thực hiện trong năm 2020 và các hoạt động dự kiến được thực hiện trong năm 2021.

Về phía Tổng cục KTTV có sự tham dự của ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; ông Đỗ Tiến Anh, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; ông Hoàng Văn Quản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Quản lý dự án của Tổng cục KTTV.

Về phía FMI có sự tham dự của ông Sami Niemelä, Giám đốc FMI; ông Harri Pietarila, Trưởng bộ phận Dịch vụ và Chuyên gia; ông  Sami Kiesiläinen, quản lý Dự án của FMI và ông Matti Tervo – Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Hoàng Đức Cường phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Hoàng Đức Cường cho biết, Tổng cục KTTV Việt Nam đã nhận được rất nhiều  hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ Phần Lan nói chung và FMI nói riêng trong đó có Dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam, giai đoạn III.” Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực dự báo cảnh báo thiên tai của Tổng cục KTTV góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Trong năm hai năm qua, Tổng cục KTTV và FMI đã nỗ lực phối hợp để hoàn thiện đề xuất Dự án Promoserv3 đến Chính phủ của hai quốc gia, đến nay, tiến độ phê duyệt Dự án đang ở bước cuối cùng, ông cũng đánh giá cao những đóng góp với FMI trong hoạt động của Dự án. Mặc dù, tình hình dịch COVID-19 diễn ra rất phức tạp, nhưng FMI đã rất nỗ lực thực hiện và hoàn thành nhiều hợp phần của Dự án. Ông hy vọng trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, khắc phục điều kiện khó khăn để thực hiện các hợp phần tiếp theo của dự án.

Đại diện các bên tham dự cuộc họp bằng hình thức trực tuyến

Cuộc họp đã tập chung vào các nội dung: Báo cáo về thay đổi nhân sự Ban Dự án; Giới thiệu trách nhiệm của Ban Dự án và các quy định của Dự án ICI; Báo cáo tình hình tiến độ thực hiện đề xuất Dự án của phía Việt Nam; Tổng kết hoạt động của Dự án năm 2020; Kế hoạch thực hiện năm 2021; Thảo luận về SmartMet và đề xuất cho nhóm SmartMet; Đề xuất chuyên gia mới; Thảo luận về hợp tác mới trong dự án PROMOAIR “Dự báo chất lượng không khí” và Dự kiến nội dung cho cuộc họp tiếp theo.

Năm 2020 hai bên đã thực hiện một số nội dung của Dự án theo tiến độ của phía Phần Lan, chủ yếu tập trung vào khảo sát hiện trạng (đối với cảnh báo bão, mưa lớn, gió mạnh) để tích hợp vào phần mềm SmartMet Alert; đào tạo nâng cao cho dự báo viên về SmartMet Workstation; đào tạo cho dự báo viên về SmartMet Server.

Các kết quả đã và đang được ứng dụng một phần vào nghiệp vụ: đã tích hợp được các sản phẩm quan trắc, dự báo mô hình… của Việt Nam vào hệ thống SmartMet; tạo ra sản phẩm trực tiếp update vào app di động của Trung tâm DBQG, sử dụng cho một số loại bản tin hàng ngày.

Hai bên đã thực hiện 03 cuộc họp trao đổi về nghiên cứu dông, sét cho Việt Nam và đã lên được bản dự thảo kết quả nghiên cứu; 01 cuộc trao đổi về Phát triển sản phẩm của phía FMI. Đã thực hiện việc chuyển đổi thông tin, định dạng cảnh báo của 03 thiên tai: Bão, Mưa lớn, Gió mạnh trong hệ thống SmartMet Alert để phù hợp với điều kiện nghiệp vụ cảnh báo của Việt nam; Đã họp giới thiệu về hệ thống này để lấy ý kiến chỉnh sửa, chuẩn bị cài đặt và chạy thử nghiệm.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19 cũng như tiến độ phê duyệt Dự án đối ứng của Việt Nam nên một số hạng mục đã phải lùi lại như: Hội thảo về phát triển sản phẩm (lần 2 – phía Việt Nam), đào tạo nâng cao về SmartMet Workstation, SmartMet Server, SmartMet Alert. Có khả năng phải lùi hoặc hoãn một số hoạt động trong khuôn khổ dự án như: Hội thảo về phát triển sản phẩm lần 2; triển khai SmartMet Alert trong nghiệp vụ… 

Các hoạt động dự kiến được thực hiện: SmartMet Alert, phần mềm xuất bản bản tin cảnh báo định dạng CAP; Các nghiên cứu về sét; Các khóa đào tạo về SmartMet Workstation; Thảo luận về SmartMet - Việt Nam sẽ triển khai SmartMet rộng hơn trong nghiệp vụ, từ đó có các yêu cầu cụ thể hơn đối với các đào tạo chuyên sâu về Smartmet, đặc biệt là kết nối SmartMet vào các công cụ, nguồn số liệu hiện tại của Tổng cục KTTV.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: