Tổng cục Khí tượng Thủy văn tham dự Phiên họp bất thường của Đại hội Khí tượng WMO năm 2021

Đăng ngày: 11-10-2021 | Lượt xem: 2790
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã gửi Công thư số 16542/2021/GS/LCC/CNF/ Cg-Ext ngày 15 tháng 7 thông báo và mời Việt Nam tham dự Phiên họp Bất thường của Đại hội đồng Khí tượng thế giới năm 2021 (CgExt-2021) theo hình thức trực tuyến, từ ngày 11 tháng 10 đến ngày 22 tháng 10. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đại diện Việt Nam tham dự Phiên họp.

Chiều ngày 11 tháng 10, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đoàn Việt Nam do GS. TS. Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch RA-II, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV làm trưởng đoàn đã tham dự Phiên họp Bất thường của Đại hội đồng Khí tượng thế giới năm 2021

GS. TS. Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch RA-II, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV trưởng đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp

Tham dự Phiên họp có Chủ tịch của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Ban Thư ký WMO, Đoàn đại biểu của 193 thành viên và các khách mời liên quan.

Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp có: Ông Hoàng Đức Cường, Người được PR của Việt Nam tại WMO ủy quyền, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV, Phó Trưởng đoàn; Bà Đặng Thanh Mai, Chuyên gia Tư vấn thủy văn của Việt Nam tại WMO, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV; Ông Đỗ Tiến Anh, Phó Vụ trưởng, phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Ông Nguyễn Vinh Thư, Phụ trách Ban Quan trắc, Cơ sở hạ tầng và các Hệ thống thông tin (INFCOM) của Việt Nam tại WMO, Giám đốc Đài Khí tượng cao không; Ông Mai Văn Khiêm, Phụ trách Hội đồng nghiên cứu về Thời tiết, Khí hậu, Nước và Môi trường, Giám đốc, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; Ông Hoàng Phúc Lâm, Phụ trách Ban Dịch vụ và Ứng dụng Thời tiết, Khí hậu, Nước và Môi trường liên quan (SERCOM) của Việt Nam tại WMO, Phó Giám đốc, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Các Đơn vị, đầu mối khác có liên quan và các chuyên gia của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Phiên họp bất thường của Đại hội Khí tượng WMO năm 2021 được thành lập theo quyết định tại Khóa họp lần thứ 18  của Đại hội đồng WMO nhằm giải quyết các mục tiêu cụ thể quan trọng nhất đối với Tổ chức về vấn đề cải tổ cấu trúc của WMO, hỗ trợ của WMO về Chương trình nghị sự Nước toàn cầu và Trao đổi dữ liệu hệ thống Trái đất.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chia sẻ: Thông qua phiên họp, Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên và chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam về việc trao đổi dữ liệu nhằm giám sát, dự báo hệ thống Trái đất cũng như tối ưu hóa công tác quản lý tài nguyên nước, giảm thiểu rủi ro thiên tai và hệ thống cảnh báo sớm. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn đóng góp vào việc phát triển các hướng dẫn kỹ thuật, quy trình và thủ tục cần thiết để đảm bảo việc triển khai Mạng quan trắc cơ bản toàn cầu (GBON) một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Phiên họp tập trung thảo luận, phê duyệt các vấn đề quan trọng mang định hướng khu vực và thế giới về: Tình hình cải cách và những tiến bộ của WMO trong bối cảnh của đại dịch COVID-19; Tăng cường cơ chế làm việc khu vực; Chiến lược và kế hoạch hành động của WMO về lĩnh vực thủy văn trong thế kỷ XXI; Tuyên bố về nước, bao gồm cả liên minh nước và khí hậu để đẩy nhanh việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 6 về Nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người (SDG 6); Chính sách thống nhất dữ liệu của WMO2 cho việc trao đổi dữ liệu hệ thống trái đất quốc tế; Cơ sở tài trợ cho các quan trắc có hệ thống về tăng cường khả năng cung cấp dữ liệu, truy cập, chia sẻ dữ liệu để giám sát và dự báo hệ thống Trái đất; Năng lực ứng phó của WMO đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đảm bảo tính liên tục của các hoạt động quan trắc và các dịch vụ thiết yếu thông qua các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ; Đánh giá lại Nguyên tắc làm việc chung và Quy định kỹ thuật liên quan đến việc thành lập Mạng lưới quan trắc cơ bản toàn cầu (GBON) của WMO.

Toàn cảnh cuộc họp

Bùi Dịu

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: