Việt Nam – EU: Thúc đẩy hợp tác trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 06-10-2016 | Lượt xem: 4939
Ngày 05/10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vui mừng nhận thấy hợp tác hiệu quả, toàn diện trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU); đồng thời, cũng cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của EU đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian qua. Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò tiên phong và trách nhiệm của EU đã dẫn đến thành công của Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Paris cuối năm vừa qua.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Bruno Angelet cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn và khẳng định sẽ luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất là trong bối cảnh vai trò của ngành ngày càng được đề cao.

Ông Bruno Angelet cho biết, mới đây, trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, đại diện 28 nước thành viên của EU đã bỏ phiếu thông qua cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Với sự phê chuẩn của EU, Thỏa thuận Paris sẽ chính thức có hiệu lực do đã đạt được điều kiện là 55 nước chiếm 55% lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới thông qua. Trên cơ sở đó, EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris để vừa phát triển kinh tế vừa giảm phát thải khí CO2.

Cảm ơn thông tin Ngài Đại sứ chia sẻ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước khi đến với Hội nghị COP22 tại Ma-rốc, Việt Nam sẽ phê duyệt chính thức Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong kế hoạch này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có vai trò điều phối, phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện và giám sát quá trình thực hiện.

Trên thực tế, để thực hiện Thỏa thuận Paris, Chính phủ Việt Namđã có nhiều hành động tích cực trong thời gian qua. Chính phủ đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong đó năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh cấm khai thác rừng tự nhiên và chỉ đạo triển khai phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang điều chỉnh lại chiến lược phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

“Việc Thỏa thuận Paris có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng coi đây là động lực để thay đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng các-bon thấp và tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, thông qua thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực… để dần dần đạt được mặt bằng kinh tế phát triển và đi theo hướng bền vững như các nước ở EU.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Toàn cảnh buổi tiếp

Để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hợp tác đôi bên cùng có lợi trong chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường.

Bên cạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, Bộ trưởng cũng mong muốn các nước trong Liên minh Châu Âu tham gia, giúp đỡ Việt Nam trong việc thay đổi kịch bản phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có vai trò lớn về an ninh lương thực quốc gia và hiện đang là nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng từ việc xây dựng đập thủy điện của các nước thượng nguồn sông Mê Công.

Về các vấn đề môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị EU hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm và người được hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền”; rà soát, sửa đổi các văn bản về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của các địa phương trong việc chống săn bắt, buôn bán và tiêu dùng các loài quý, hiếm.

Với những đề nghị của Bộ trưởng, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn EU khẳng định các nước trong Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm của mình để hỗ trợ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước. 

Nguồn: monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: