Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ tham quan công trường Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng |
Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, tất cả 63/63 tỉnh, thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, với diện tích hơn 61.000km2, chiếm 19% diện tích cả nước, khối lượng ô nhiễm khoảng 350-800 ngàn tấn, trong đó Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh. Với khối lượng khổng lồ như vậy, phải mất nhiều thập kỷ nữa cùng với chi phí lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mới có thể khắc phục cơ bản ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Viêt Nam.
Hiện có 3 điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh là các sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng. Chất độc hóa học/dioxin tồn lưu tại các điểm nóng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường, đồng thời một lượng lớn đất đai không được sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, việc xử lý các khu vực tồn lưu chất độc hóa học/dioxin là vấn đề cấp bách được đặc biệt quan tâm và cần sớm đầu tư để xử lý triệt để.
Những năm qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp tích cực với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong công tác khắc phục xử lý chất độc hóa học/dioxin. Hai bên đã phối hợp xử lý triệt để khoảng 90.000m3 đất, bùn nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và 60 tỷ đồng từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đang thực hiện khảo sát, đánh giá môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa; xác định một số giải pháp cho Dự án tổng thể xử lý dioxin tại đây.
90.000 m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã được xử lý |
Thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, Hoa Kỳ đã hỗ trợ vốn, trang thiết bị, tập huấn nâng cao kỹ thuật, đào tạo cán bộ giúp Việt Nam khắc phục triệt để bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh. Từ năm 2003 đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 100 triệu USD với các mục tiêu: làm sạch bom mìn nơi có dân cư sinh sống, canh tác và nâng cao năng lực khắc phục bom mìn, quản lý điều hành hoạt động khắc phục hậu bom mìn sau chiến tranh.
Từ năm 1988, Việt Nam và Hoa Kỳ đã phối hợp, tiến hành mở rộng các hoạt động tìm kiếm hỗn hợp chung. Đến nay, thông qua các hoạt động điều tra hỗn hợp của Việt Nam - Hoa Kỳ, đã có 1000 hòm hài cốt được trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ, trong đó hơn 700 trường hợp đã được nhận dạng ADN.
Tại cuộc làm việc, hai bên thống nhất trao đổi một số nội dung về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, nhanh chóng hoàn thành công trình xử lý môi trường ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tồn lưu tại sân bay Đà Nẵng; đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm vốn ODA không hoàn lại để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Biên Hòa, Phù Cát và các điểm nóng khác.
Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng một minh chứng cho mối quan hệ hợp tác tích cực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ |
Đồng thời, thực hiện các hoạt động hợp tác để khắc phục hậu quả đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, giúp họ ổn định cuộc sống và được điều trị về mặt y tế. Cùng với đó, bảo đảm nguồn vốn ODA không hoàn lại và trang thiết bị cho hoạt động khắc phục, xử lý bom mìn, vật nổ và khắc phục các hậu quả do bom mìn, vật nổ gây ra cho con người; tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai bên để sớm hoàn thành các hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam và tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
“Chính phủ Hoa Kỳ rất coi trọng việc quan hệ, hợp tác với Viêt Nam trong công tác xử lý các vấn đề của chiến tranh để biến những cái xấu thành cái tốt. Quan trọng hơn nữa trong các chính sách của Mỹ, chúng tôi sẽ xây dựng các mối hợp tác để tránh xung đột trong thế hệ tương lai của hai đất nước. Vào tháng 11 tới đây, Tổng thống Donald Trump sẽ tới thăm Việt Nam - là một minh chứng trong cam kết giữa hai chính phủ để xử lý các vấn đề”- Hạ nghị sĩ Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương cho biết.
Trong chuyến làm việc này, Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ đã đến tham quan công trường Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Nguồn: Theo Báo TN&MT