WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình SP-RCC trong giai đoạn tới

Đăng ngày: 21-11-2018 | Lượt xem: 922
(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Achim Fock, Giám đốc Chương trình đầu tư của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, chiều 21/11, về các...
Ttr LCThành

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tiếp và làm việc với ông Achim Fock, Giám đốc Chương trình đầu tư của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chiều 21/11

Tại buổi làm việc, ông Achim Fock đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có bước tiến mới trong việc xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Ngân hàng thế giới sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để rà soát và cập nhật ma trận chính sách mới liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong giai đoạn tới.

Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, với sự giúp đỡ của các đối tác phát triển mà Ngân hàng thế giới là một thành viên tích cực, tiêu biểu, việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, ở cấp độ chính sách, Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) được thực hiện từ năm 2010 đến nay đã trở thành diễn đàn chính sách lớn để trao đổi, xây dựng chính sách và hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính đến nay, đã có hơn 300 hành động chính sách được các Bộ, ngành và các đối tác phát triển trao đổi, thảo luận, xây dựng và triển khai. Trên 1,2 tỷ đô la Mỹ đã được huy động trực tiếp thông qua Chương trình SP-RCC.

Nhấn mạnh về hiệu quả của chương trình này, ông Achim Fock chia sẻ, chương trình đã được biết đến một cách rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn quốc tế như là một mô hình hiệu quả huy động hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Riêng WB đã áp dụng mô hình này tại một số quốc gia như Cô-lôm-bi-a, Ma-rốc, Mô-dăm-bích, Lào…

Quang cảnh

Quang cảnh buổi tiếp và làm việc chiều 21/11 tại Trụ sở Bộ TN&MT

Để tiếp tục triển khai chương trình này trong thời gian tới, ông Achim Fock đề nghị, để tăng cường cho việc thực hiện Chương trình SP-RCC, Chính phủ có thể điều phối cơ chế phối hợp giữa các đối tác phát triển và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, cơ quan, địa phương phía Việt Nam cũng như theo dõi quá trình thực hiện khung chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Đồng tình với ý kiến của ông Achim Fock, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới tiếp tục trao đổi để có những định hướng về chính sách, dự án về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu sau năm 2020 sẽ bước vào một giai đoạn mới. Việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sẽ là nhiệm vụ chính của mỗi nước phải thực hiện. Vì vậy, Chương trình SP-RCC sẽ cần điều chỉnh để hỗ trợ việc thực hiện NDC một cách hiệu quả. Việc huy động, kết hợp các nguồn lực để xây dựng các chính sách, từ đó thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu trong NDC là một vấn đề quan trọng mà Việt Nam mong muốn Ngân hàng Thế giới cùng hợp tác”.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng về việc thúc đẩy Chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ông Achim Fock cho rằng, Việt Nam sẽ cần một kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nêu rõ nguồn lực thực hiện để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển. Phía Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. “Tại Hội nghị COP24 sắp tới, Ngân hàng Thế giới sẽ đưa ra các cam kết của mình trong đó khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu” - ông Achim Fock nói.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng trao đổi về việc tổ chức Hội nghị đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Việt Nam và WB sẽ cùng đánh giá lại những công việc và kết quả đã đạt được trong 1 năm vừa qua kể từ khi Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL được ban hành. Sau khi đánh giá tổng thể về chính sách cũng như hiệu quả các dự án về ứng phó BĐKH tại khu vực này, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Chính phủ, từ đó xác định được nội dung chương trình nghị sự và thời gian tổ chức. Bộ TN&MT sẵn sàng và mong muốn phối hợp với WB để tổ chức hội nghị này trong thời gian tới.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: