Đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thuê, khoán tài sản công - Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 07-05-2020 | Lượt xem: 1235

Nguồn hình thành tài sản công

1. Tài sản do Nhà nước giao.

2. Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công

1. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

1.1. Phương thức đầu tư:

a) Giao tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo mô hình tập trung;

b) Giao cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng theo mô hình trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp độc lập;

c) Đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư;

d) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

1.3. Thẩm quyền quyết định đầu tư

a) Thẩm quyền quyết định đầu tư được thực hiện theo Quy chế quản lý dự án đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định đầu tư căn cứ quy mô, tính chất của dự án và khả năng quản lý, thực hiện dự án quyết định phương thức đầu tư quy định tại mục 1.1 khoản này.

2. Mua sắm tài sản công

2.1. Tài sản mua sắm bằng nguồn vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế quản lý dự án đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.2. Tài sản mua sắm bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí khác được phép sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo hai phương thức mua sắm sau:

- Mua sắm tập trung: áp dụng đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung của Trung ương, của Bộ.

- Mua sắm phân tán: cơ quan, đơn vị dự toán cấp III trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm. Áp dụng đối với các tài sản không thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung của Trung ương, của Bộ.

2.3. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công:

a) Tài sản mua sắm bằng nguồn vốn đầu tư công: thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Tài sản mua sắm bằng nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác: thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.4. Hồ sơ đề nghị mua sắm tài sản gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản: 01 bản chính;

b) Văn bản đề nghị của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (trong trường hợp thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng): 01 bản chính;

c) Danh mục tài sản đề nghị mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí): 01 bản chính;

           d) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị mua sắm tài sản (nếu có): 01 bản sao.

Thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị

1. Điều kiện được thuê tài sản:

- Nhà nước không có tài sản để giao theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Quy chế này và không thuộc trường hợp khoán sử dụng tài sản công.

- Sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc sử dụng không thường xuyên.

- Việc thuê tài sản hiệu quả hơn so với việc đầu tư xây dựng, mua sắm.

2. Thẩm quyền quyết định thuê tài sản:

- Bộ trưởng quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô và các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn quyết định thuê tài sản các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

- Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, thủ trưởng đơn vị tự quyết định thuê tài sản từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị.

3. Việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện thuê tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan. Việc tổ chức thực hiện thuê tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định tại Chương III Quy chế này.

Khoán kinh phí sử dụng tài sản công

1. Nguyên tắc khoán kinh phí sử dụng tài sản công

1.1. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công được áp dụng đối với cán bộ, công chức, đối tượng khác có tiêu chuẩn sử dụng tài sản công theo quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.

1.2. Nhà nước khuyến khích áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng tài sản công đối với đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng tài sản công nhưng không thuộc trường hợp khoán bắt buộc.

1.3. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công phải bảo đảm an ninh, an toàn và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả hơn việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

1.4. Không thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công trong trường hợp:

a) Tài sản liên quan đến bí mật nhà nước;

b) Cơ quan, đơn vị đã được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản để phục vụ hoạt động, trừ trường hợp tài sản đó được xử lý theo quy định của pháp luật.

1.5. Không thực hiện trang bị tài sản công, không bố trí kinh phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công trong trường hợp đã thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản.

1.6. Nguồn kinh phí khoán được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan; nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị.

2. Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

2.1. Đối tượng, phương pháp xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện theo Quyết định của Bộ về việc sử dụng xe ô tô tại các đơn vị thuộc Bộ và được quy định cụ thể tại Quy chế sử dụng tài sản công của cơ quan, đơn vị.

2.2. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Riêng kinh phí khoán trong trường hợp đi công tác được thanh toán cùng với việc thanh toán công tác phí.

3. Khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị

3.1. Đối tượng và hình thức khoán:

           Cán bộ, công chức và đối tượng khác có tiêu chuẩn sử dụng máy móc, thiết bị đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị trang bị cho cá nhân phục vụ nhiệm vụ được giao.

3.2. Mức khoán:

Mức khoán (đồng/tháng)

 

=

 

Mức giá máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn, định mức (đồng)

 

X

 

Tỷ lệ (%) hao mòn theo chế độ quy định

12 (tháng)

Trong đó:

a) Mức giá máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn, định mức do các đơn vị dự toán cấp III tự quyết định nhưng không vượt quá mức giá quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị;

b) Tỷ lệ (%) hao mòn theo chế độ quy định được xác định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định tại cơ quan nhà nước. Trường hợp máy móc, thiết bị áp dụng hình thức khoán không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định thì tỷ lệ hao mòn được xác định là 20%/năm.

3.3. Thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp III quyết định đối tượng, mức khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị cho cán bộ, công chức và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý.

3.4. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng.

4. Khoán kinh phí sử dụng các tài sản khác

          Thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp III căn cứ nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và tình hình thực tế để quyết định việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

 

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: