Những quy định chung về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đăng ngày: 07-05-2020 | Lượt xem: 4608

Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị), bao gồm: trụ sở làm việc, cơ sở hoạt đông sự nghiệp, các tài sản khác gắn liền với đất, quyền sử dụng đất; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác được mua sắm, hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ nguồn vốn khác.

2. Việc quản lý tài sản công không thuộc phạm vi và quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Quy chế này là các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công

1. Mọi tài sản công đều được giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật có liên quan và tại Quy chế này.

 2. Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định; được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, địch họa và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc các công cụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công tại cơ quan, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật. 

4. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 

5. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

6. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt và sử dụng trái phép tài sản công dưới mọi hình thức.

2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.

3. Cơ quan, đơn vị cấp trên giao tài sản cho cơ quan, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

4. Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

5. Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao.

6. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.

7. Chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản công.

8. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

10. Các hành vi bị cấm khác trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của các luật có liên quan.

Phân loại đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công

1. Tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan hành chính Văn phòng Tổng cục.

2. Tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công; người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công.

1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các quyền sau đây:

- Sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản công được giao theo chế độ quy định;

- Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;

- Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

- Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây:

- Bảo vệ, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm;

- Lập, quản lý hồ sơ tài sản công, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản công theo quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan;

- Báo cáo và công khai tài sản công theo quy định của Quy chế này;

- Thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật;

- Giao lại tài sản công cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cấp có thẩm quyền;

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giám sát của cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các quyền sau đây:

- Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao;

- Giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công được giao quản lý, sử dụng;

- Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

- Quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây:

4.1. Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;

a) Căn cứ xây dựng Quy chế:

- Tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền quy định;

- Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị;

- Thực trạng và yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị.

b) Nội dung chủ yếu của Quy chế:

- Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác, kiểm kê, đánh giá lại, chuyển đổi công năng sử dụng, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý tài sản khác; lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản; bảo vệ tài sản; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản; kiểm kê, kiểm tra tài sản; báo cáo tài sản công;

Đối với đơn vị có sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, ngoài các nội dung quy định tại điểm này, Quy chế phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết;

- Trách nhiệm bàn giao tài sản công khi thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi người đứng đầu;

- Xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế;

- Các nội dung khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị.

d) Quy chế phải được thảo luận rộng rãi, dân chủ trong cơ quan, đơn vị trước khi ban hành; sau khi ban hành phải được công khai trong cơ quan, đơn vị.

4.2. Chấp hành quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

4.3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao.

4.4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

4.5. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của  các đơn vị thuộc Tổng cục

1. Vụ Kế hoạch- Tài chính, Tổng cục Khí tượng Thủy văn là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước đối với tài sản công thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng thống nhất quản lý tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, cụ thể như sau:

a) Chủ trì xây dựng, trình Tổng cục trưởng ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục”;

b) Thẩm định, trình Tổng cục trưởng xem xét, trình Bộ  định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục;

c) Chủ trì, tham gia góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

d) Trình Tổng cục trưởng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý tài sản công theo quy định của pháp luật;

đ) Tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công định kỳ, đột xuất gửi Bộtheo quy định;

e) Tổng hợp, trình Tổng cục trưởng xem xét, trình Bộ phê duyệt phương án sắp xếp, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và công trình sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục;

g) Thẩm định và trình Bộ phê duyệt danh mục mua sắm, sửa chữa, thuê, chuyển đổi công năng, tham gia dự án đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết;

h) Thẩm định trình Tổng cục trưởng hoặc trình Bộ phê duyệt điều chuyển, thu hồi, nhượng bán, thanh lý tài sản công cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo quy định hiện hành.

i) Tổng hợp, trình Bộ đăng ký tài sản công của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục;

k) Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục tổ chức thực hiện quản lý tài sản công theo quy định;

l) Chủ trì, phối hợp với Bộ kiểm tra quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục;

m) Các nhiệm vụ khác theo phân công của Lãnh đạo Tổng cục trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Đơn vị dự toán cấp III

a) Tham gia, phối hợp, góp ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;

b) Đề xuất, trình Tổng cục trình Bộ ban hành định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của đơn vị;

c) Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị trực thuộc;

d) Hướng dẫn các đơn vị quản lý tài sản công theo quy định của Tổng cục và quy định của pháp luật;

đ) Quyết định mua sắm, sửa chữa và xử lý tài sản công theo phân cấp;

e) Đăng ký tài sản, báo cáo tài sản công định kỳ, đột xuất của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trình Tổng cục theo quy định;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân cấp, phân công của Tổng cục trưởng về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công

1. Cơ quan, đơn vị và đối tượng khác có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: