Phương thức lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương cho hoạt động sửa chữa bảo dưỡng đê điều

Đăng ngày: 15-07-2020 | Lượt xem: 1729
Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của các cấp có thẩm quyền, căn cứ vào tình trạng tuyến đê được ủy quyền quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, nội dung chi quy định tại Điều 4 của Thông tư này, mức chi được cấp có thẩm quyền ban hành, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III lập dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều từ nguồn ngân sách trung ương (chi tiết theo nội dung chi) gửi Tổng cục Phòng, chống thiên tai;

b) Tổng cục Phòng, chống thiên tai lập dự toán kinh phí cho các nội dung chi do Tổng cục thực hiện; tổng hợp cùng với dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều (phần dự toán Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thực hiện tại điểm a khoản 1 Điều này) vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Phân bổ và giao dự toán

a) Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao; căn cứ dự toán kinh phí chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phê duyệt phân bổ chi tiết theo nội dung chi được quy định tại Điều 4 của Thông tư này; chi tiết tên công trình, dự toán được phê duyệt theo từng tuyến đê, khối lượng và kinh phí, gồm: Dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều đối với các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện; dự toán kinh phí cho các nội dung do Tổng cục Phòng, chống thiên tai trực tiếp thực hiện và dự toán kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ tình hình thực hiện năm trước, dự báo các sự cố thiên tai phát sinh trong năm kế hoạch, thực trạng hệ thống đê điều để bố trí dự toán kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao. Phần kinh phí này chỉ được phân bổ theo thực tế phát sinh và sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định. Nội dung chi, quy trình quản lý chi đối với kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này và điểm c Khoản 2 Điều này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao dự toán cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai (trong đó bao gồm kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều) và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III được ủy quyền thực hiện; đồng thời gửi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.

b) Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra phân bổ dự toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ và giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước và các quy định tại Thông tư này.

c) Đối với kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều

Trong năm, trường hợp phát hiện sạt lở đê gây mất an toàn hệ thống đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III được ủy quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lập phương án sửa chữa báo cáo Tổng cục Phòng, chống thiên tai xét duyệt khối lượng và dự toán để thực hiện. Trường hợp phát hiện sạt lở trong khi đang có bão, lũ, phải sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn hệ thống đê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các biện pháp ứng cứu kịp thời, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Tổng cục Phòng, chống thiên tai xét duyệt.

Căn cứ kết quả xét duyệt, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổng hợp và dự kiến mức kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều cho địa phương, chi tiết theo công trình, từ nguồn kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều đã phân bổ và giao trong dự toán của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, cụ thể: Điều chỉnh giảm dự toán đã giao cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tương ứng với số kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều ở phương đã được phê duyệt, trong phạm vi tổng mức kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều đã giao cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều được điều chỉnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều phát sinh trong năm và kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê diều đã thực hiện năm trước nhưng, chưa được thanh toán.

Sau khi thực hiện điều chỉnh dự toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính để kiểm tra điều chỉnh dự toán, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện.

Bộ Tài chính kiểm tra điều chỉnh dự toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định.Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành.

Thực hiện dự toán chi ngân sách

a) Căn cứ dự toán chi ngân sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

b) Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Kinh phí chuyển sang năm sau: Việc xử lý số dư cuối năm kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Quyết toán

a) Các đơn vị được giao dự toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều phải thực hiện công tác khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán. Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và trách nhiệm xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành. Báo cáo quyết toán kèm theo danh mục công trình đã được giao kế hoạch trong năm thực hiện, quyết toán chi tiết theo từng nội dung chi được ủy quyền theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

b) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều hàng năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm; trong đó, việc xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều ủy quyền cho các địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 137/2017/TT-BTC.

Đối với các công trình, hạng mục, gói thầu công trình độc lập sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều, ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định trên, phải thực hiện quyết toán theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: