Chuyện nước ngọt ở “quần đảo bão tố”: Kỳ 4 - Cả đảo chờ mưa

Đăng ngày: 01-04-2019 | Lượt xem: 4349
(TN&MT) - “Mỗi khi trời có dấu hiệu mưa, các chiến sĩ đem xoong nồi, thùng phuy, can và tất cả những gì đựng được để sẵn sàng hứng nước. Ai cũng mừng thầm sẽ được tắm thỏa thuê, nhưng thất vọng tràn trề vì mưa không tới. Chúng tôi đứng ở mép đảo nhìn mưa mà rớt nước mắt”. Câu chuyện “Cả đảo chờ mưa” được cựu binh Trung tá Nguyễn Xuân Trình, có nhiều năm gắn bó với tàu Đại Khánh và các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Nam Yết kể lại trong kiêu hãnh tự hào.
anh 1
Chuyển nước ngọt vào đảo. ảnh Xuân Trình.

Nước “lạc loài” và mưa “lệch pha”

Bây giờ các đảo không quá hiếm nước ngọt như những ngày đầu giải phóng, nhưng câu chuyện kể về cả đảo chờ mưa luôn xúc động, và được các thế hệ cán bộ chiến sĩ truyền lại như một kỷ niệm không thể nào quên về những ngày gian khó ấy. “Nói về mưa ở Trường Sa, chiến sĩ trên các đảo không ai không hiểu khái niệm “nước lạc loài” và “mưa lệch pha”. “Nước lạc loài” là những giọt nước không nằm trong vùng mưa, bay theo chiều gió được chúng tôi hứng được bằng cách căng nilong, còn “mưa lệch pha” là những cơn mưa quanh đảo, hoặc cách đảo chỉ vài mét. Ranh giới giữa mưa và không mưa đôi khi chỉ cách nhau gang tay”, ông Trình chia sẻ.

Ở đảo Trường Sa thời tiết chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa khô từ sau Tết nguyên đán đến tháng 9, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Nói là mùa mưa nhưng không phải mưa như đất liền, mà mưa bóng mây thoáng qua, mưa theo vùng. Với lượng nước ngọt trong can xếp quanh đảo vơi dần khi những công trình xây dựng ngày càng một nhiều thêm. Hơn 6 tháng mùa khô là những ngày khó khăn nhất của những người lính công binh xây đảo. Có những ngày mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến, kèm theo gió mạnh lạnh toát, anh em mừng rơn vì sẽ được tắm một bữa thỏa thích. Mọi người lấy tất cả những gì có thể để hứng nước mưa. Có chiến sĩ lấy toàn bộ bát ăn cơm để trên thành đảo chờ mưa tới, có chiến sĩ đi gom tất cả quần áo của cả trung đội lại chờ mưa để giặt, đám mây đen kia theo gió tan dần, trời trở nên quang đãng không một gợn mây, mọi người thở dài thất vọng. Cũng có chiều sấm chớp ầm ầm, chớp lóe mặt nước, vòm trời đen kịt, cả đảo mừng như sắp đón thư từ đất liền gửi tới. Nhiều chiến sĩ “ra hát, vào ca”. Và cũng như lần trước, các chiến sĩ lại thở dài thất vọng, vì mưa không vào đảo. Cơn mưa đỏng đảnh trút nước chỉ cách mép đảo chừng chục mét, đảo khô ran, anh em nhìn mưa mà rớt nước mắt.

Nhưng sự chờ đợi ấy chưa phải là tận cùng. Các chiến sĩ đã sáng chế ra cái máng dây chuyền. Một mảnh nilon vuông được căng 4 góc, cột vào 4 cọc tre để hứng nước. Những giọt nước “lạc loài” của cơn mưa “lệch pha” cũng rơi vào nilon, theo máng chảy vào can. Đó là những  giọt nước mưa thấm đẫm mồ hôi và nhiều công sức của bộ đội.

Cựu binh Nguyễn Xuân Trình - người chứng kiến hàng nghìn lần những cơn mưa “lệch pha” chia sẻ: “Nhiều khi chờ mãi không mưa, cũng có lúc trời nắng chang chang lại mưa bất ngờ. Thương nhất là thấy mưa trước mặt mà không sao hứng được. Lúc đó ai cũng ngậm ngùi. Những ngày cả đảo chờ mưa ấy không bao giờ quê trong ký ức tôi”.

anh 2
Cựu binh Trung tá Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. ảnh Lê Khanh

Mưa vàng mưa bạc

Tôi đã đến Trường Sa, đã cùng chiến sĩ Trường Sa ngóng chờ nao lòng cơn mưa rào cuối hạ, nhưng đó cũng chỉ là cái khát tạm thời của người từ đất liền ra đảo. Còn đối với lính đảo, sự ngóng đợi trời mưa luôn đau đáu trong lòng. Những cơn mưa bất chợt được các chiến sĩ gọi là mưa vàng, mưa bạc. Mặc dù nước ngọt dùng hết sức chi li, nhưng bao giờ cũng giành phần riêng cho khách mỗi lần từ đất liền ra thăm, đó là tấm lòng mến khách chỉ có ở những người lính đảo.

Hiện các đảo trong hệ thống quần đảo Trường Sa, đối với các đảo nổi, nước ngọt dự trữ tương đối bảo đảm nhờ hệ thống bể chứa ngầm dưới lòng đất, còn các đảo chìm nước ngọt khó khăn hơn.

Cựu binh Nguyễn Xuân Trình, người đã có thâm niên nhiều năm gắn bó với đảo chìm Tốc Tan cho biết. “Diện tích của đảo quá nhỏ chỉ chứa được 2 bồn nước ngọt, dùng cho cả nấu ăn lẫn tắm giặt, chưa kể còn tiết kiệm tưới rau hàng ngày. Mỗi chiến sĩ cứ 5 ngày mới được tắm một lần. Ai tắm cũng phải ngồi trong chậu, nước thừa dồn lại tưới rau. Cả đảo toàn “đực rựa” nên không cần cái khoản làm đẹp, dùng nước cũng ít hơn”. Nói là vậy, nhưng vì thiếu nước tắm giặt nên da dẻ chiến sĩ nào cũng đen sạm vì nắng gió, đen vì ghét bám nhiều lâu ngày không tắm.

 Giải thích khái niệm “mưa vàng mưa bạc”, cựu binh Trình cho biết: “Trung bình mỗi chuyến tàu ra biển tiếp tế lương thực, nước ngọt cho các đảo mất ít nhất 2000 lít dầu, tính ra tiền ngày ấy cũng trên dưới 400 triệu đồng/chuyến. Nếu để số tiền ấy phục vụ huấn luyện học tập, sinh hoạt cho bộ đội sẽ giảm bớt khó khăn. Chỉ cần 3 trận mưa rào là có thể tiết kiệm được 400 triệu đồng. Mưa vàng mưa bạc ở Trường Sa là thế”.
 

anh 3
Cấp nước ngọt cho ngư dân Quảng Ngãi. ảnh tư liệu.

Nếu ở Trường Sa khát nước ngọt một thì các nhà giàn DK1 khát nước ngọt mười, vì ở Trường Sa, chiến sĩ còn có nước lợ từ giếng để tắm dặt, còn ở nhà giàn DK1 duy nhất chỉ nhờ trời mưa. Chuyện tắm tiết kiệm ở Trường Sa, đâu kỳ thú bắng tắm gió tắm chậu như ở nhà giàn DK1. Kỳ 5: “Nơi hiếm nước ngọt hơn cả Trường Sa”

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: