Nước ngầm đứng trước nguy cơ cạn kiệt

Đăng ngày: 13-05-2020 | Lượt xem: 5708
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, việc khai thác nước dưới mặt đất (nước ngầm) đã vượt mức an toàn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm, trong đó có sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vẫn đang diễn ra.

Khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: Phạm Tùng

Điều đáng báo động là dù UBND tỉnh đã có chủ trương ngưng khai thác nước ngầm, đặc biệt là cho mục đích sản xuất công nghiệp tại những khu vực đã có nguồn nước máy hoặc nước mặt thay thế nhưng tình trạng lạm dụng nguồn nước ngầm vẫn xảy ra.

* Nhà nhà khoan giếng

Đến nay, các công trình thủy lợi của tỉnh chỉ mới đáp ứng được hơn 10% trên tổng diện tích cây trồng và chủ yếu phục vụ cho các vùng sản xuất cây hằng năm, đặc biệt là các cánh đồng lúa. Theo đó, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh với gần 170 ngàn ha phần lớn sử dụng nguồn nước trời, giếng đào, giếng khoan để tưới. Như vậy, sản xuất cây trồng của tỉnh đang bị phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước trời và nước ngầm.

Trong năm 2019, Đồng Nai đã cấp 159 giấy phép thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, cụ thể: 1 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 5 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 68 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 8 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; gia hạn 4 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và cấp 77 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Hằng năm, mỗi khi vào cao điểm mùa khô, nông dân lại đua nhau khoan giếng để có nước sinh hoạt và chống hạn vì sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngầm. Vài năm trước, mỗi nhà vườn chỉ cần khoan từ 1-2 giếng khoan là đáp ứng nhu cầu sản xuất vì nguồn nước khoan vẫn khá dồi dào. Hiện nay, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt. Trong đó, ngay cả những cánh đồng sản xuất có nguồn nước thủy lợi, nông dân vẫn khoan giếng vào mùa khô hạn.

Ông Lê Ngọc Chánh, nông dân trồng lúa tại xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) cho biết, tuy cánh đồng lúa ở vùng này chủ yếu dựa vào nguồn nước tưới của hệ thống thủy lợi nhưng đa số nông dân ở đây đều khoan thêm giếng để chủ động hơn về nguồn nước tưới vào mùa khô khi kênh mương cạn nước. “Gia đình tôi có gần 2ha ruộng lúa nhưng vẫn phải đầu tư thêm 3 giếng khoan để có nước tưới trong mùa khô. Mùa khô năm nay, do nguồn nước ở nhiều giếng khoan cạn kiệt nên có một số hộ nông dân lại tính chuyện khoan thêm giếng mới” - ông Chánh nói.

Khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên
Khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên

Nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt cũng gây không ít khó khăn cho nông dân trồng cây lâu năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, nông dân tại xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) chia sẻ, trước đây các nhà vườn thường chỉ làm 1 giếng khoan là đủ nước tưới. Nhưng do nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt nên hiện nhiều nhà vườn phải khoan 3-4 giếng, các giếng khoan cũng ngày càng sâu hơn vẫn không cung cấp đủ nước vào mùa khô. Theo ông Thắng: “Đến nay, gia đình tôi đã khoan 4 giếng nước nhưng mỗi khi cao điểm mùa khô, nhà vườn vẫn lo thiếu nguồn nước tưới”.

* Có nước máy, vẫn dùng nước ngầm

Theo Sở TN-MT, đến nay, 16 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nước ngầm đã ngưng khai thác, tiến hành đấu nối sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 3 giấy phép khai thác nước ngầm do Bộ TN-MT cấp phép cho doanh nghiệp và tổ chức hiện vẫn đang tiếp tục khai thác bất chấp đã có nguồn cung nước máy với sản lượng lên đến hàng chục ngàn m3/ngày.

Trong số này, Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO là đơn vị có sản lượng khai thác lớn nhất, với hơn 33 ngàn m3/ngày. Nguồn nước ngầm doanh nghiệp này khai thác được bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại 2 khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5 sử dụng.

Đồ họa thể hiện các địa phương khai thác nước ngầm vượt mức an toàn (xét riêng từng địa bàn) - Nguồn: Sở TN-MT. (Thông tin: Quỳnh Nhi - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện các địa phương khai thác nước ngầm vượt mức an toàn (xét riêng từng địa bàn) - Nguồn: Sở TN-MT. (Thông tin: Quỳnh Nhi - Đồ họa: Hải Quân)

Việc Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO khai thác nước ngầm với sản lượng lớn phục vụ sản xuất công nghiệp không chỉ góp phần gây ra nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước mà còn khiến doanh nghiệp cung cấp nước máy… gặp khó.

Ông Ngô Dương Đại, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch cho hay, các khu công nghiệp trên địa bàn H.Nhơn Trạch, trong đó có 2 khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5 đã được cung cấp nước máy từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp vẫn mua nước ngầm từ đơn vị đầu tư hạ tầng thay vì mua nước máy để sử dụng. “Công suất thiết kế của nhà máy có thể cung cấp khoảng 80 ngàn m3 nước máy/ngày. Tuy nhiên, hiện nhà máy mới chỉ hoạt động được hơn 50% công suất. Bởi nếu tăng công suất thì chúng tôi không biết bán nước cho ai” - ông Ngô Dương Đại cho hay.

Cũng theo ông Ngô Dương Đại, nguyên nhân khiến đơn vị kinh doanh hạ tầng “chần chừ” thay thế nước ngầm bằng nguồn nước máy chủ yếu do lợi ích kinh tế. Bởi, với giá bán nước phục vụ sản xuất công nghiệp hiện nay là 11.500 đồng/m3, việc khai thác nguồn nước ngầm giá thành chỉ bằng một nửa.

Trong khi đó, theo Sở TN-MT, do đây là các giấy phép do Bộ TN-MT cấp và vẫn còn thời hạn nên Sở cũng đã có kiến nghị Bộ không gia hạn, cấp mới hoặc điều chỉnh các giấy phép này khi hết thời hạn.

* Nhiều địa phương khai thác nước ngầm vượt mức an toàn

Theo Sở TN-MT, trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm trên địa bàn tỉnh đạt gần 6 triệu m3/ngày; trữ lượng khai thác an toàn (40% trữ lượng tiềm năng) là hơn 2 triệu
m3/ngày. Hiện nay, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng gần 1,4 triệu m3 nước ngầm/ngày, chưa vượt mức khai thác an toàn.

Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng, xét riêng từng địa bàn, hiện đã có 4 địa phương khai thác nước ngầm vượt mức an toàn gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Mục đích khai thác nước ngầm hiện chủ yếu vẫn phục vụ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và một phần cho sản xuất công nghiệp.

UBND tỉnh đã có chủ trương hạn chế hoặc ngưng khai thác nước ngầm, đặc biệt là cho mục đích sản xuất công nghiệp tại những khu vực đã có nguồn nước máy hoặc nước mặt thay thế. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất vẫn tồn tại khá phổ biến. “Tính riêng tại H.Nhơn Trạch, việc khai thác nước ngầm đang đáp ứng gần 83% nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.

Tại một số địa phương khác như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, việc khai thác quá mức cũng đang khiến cho nguồn nước ngầm đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Ông Huỳnh Tấn Thìn, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho hay, hiện nay do nguồn nước ngầm trên địa bàn cạn kiệt nên nhiều khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Ngoài ra, nguồn nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng rất khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, việc nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức hiện đang gây ra nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm và sụt lún đất nền. Từ năm 2017, Sở Xây dựng đã có cảnh báo về tình trạng đất nền trên địa bàn tỉnh bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức.

Theo baodongnai.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: