Vơi đầy nước nổi miền Tây

Đăng ngày: 04-02-2019 | Lượt xem: 1193
(TN&MT) - Vào trung tuần tháng 7 Âm lịch năm vừa qua, con nước từ thượng nguồn sông Mê Công cuồn cuộn đổ về, mang theo phù sa, nguồn lợi thủy sản dồi dào cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sông nước miền tây Ảnh MH


Tất bật vào mùa nước nổi

Lũ về, trên những cánh đồng mênh mông nước ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, ngư dân tất bật chuẩn bị ngư cụ, phương tiện đánh bắt nguồn lợi thủy sản trời ban. Còn tại các làng nghề truyền thống cũng rộn ràng sản xuất ghe xuồng, lưới, lọp… phục vụ cho những người dân mưa sinh cùng con nước.

Tại xóm lưỡi câu Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang có gần 200 hộ gia đình làm nghề sản xuất lưỡi câu. Với trên 50 năm tồn tại và phát triển, làng nghề này đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Mỗi gia đình, từ trẻ nhỏ đến người già, đàn ông, phụ nữ đều cắm cúi bên những chiếc máy dập, máy cán chạy đều đều, hòa với tiếng búa gõ nhè nhẹ với mong muốn cho ra những lô hàng đảm bảo chất lượng phục vụ việc đánh bắt mùa nước nổi.

Tại làng lưới Thơm Rơm (Cần Thơ), bà con nơi đây cho biết, các sản phẩm của làng lưới được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thượng nguồn dòng Mê Công, số lượng ít nhiều phụ thuộc vào dòng nước lũ đổ về mỗi năm. "Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn về rất thấp, nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất của làng nghê. Riêng năm nay, nước về sớm nên việc sản xuất, kinh doanh trở nên thuận lợi, nhiều lao động địa phương cũng có việc làm, thu nhập khá hơn..." - bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tiệm lưới Tư Tân, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt cho biết.

Anh 3 Quay luoi

Quây lưới nuôi cá linh mùa nước nổi ở An Giang

Thay đổi để thích nghi

Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khiến cho lũ về thượng nguồn và khu vực hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) "lúc vơi, lúc đầy". Từ thực tế đó, bà con vùng ĐBSCL cũng dần thích nghi, khi có lũ, dựa vào khai thác, còn khi không có lũ thì chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên. Mặc dù đã gắn bó nhiều năm với nghề đánh bắt cá theo con nước, nhưng người dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... phải thừa nhận, nghề này bây giờ không còn cho thu nhập ổn định như trước nữa, nên họ đã nghĩ ra cách chăn nuôi, sản xuất mới lạ, hiệu quả kinh tế.

Những năm trước, người dân tỉnh An Giang đã thành công với việc tận dụng nguồn thức ăn mùa nước nổi để nuôi bò, lươn. Năm nay, ông Nguyễn Văn Phú, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã tận dụng nguồn thức ăn phù du trên đồng trộn với cám “vỗ béo” cá linh. Đây được xem là một cách làm mạnh dạn và mang lại hiệu quả thiết thực trong mùa nước nổi.

Theo ông Phú, vào thời điểm đầu con nước, cá linh non bị mắc lưới, nhưng thương lái không thu mua, người dân thường bỏ đi hoặc bán ủ phân với giá rất rẻ. Thấy vậy, ông cùng một số người bạn mua 3 tấn cá linh non còn sống với giá 8.000 đồng/kg rồi bao lưới xung quanh 1ha mặt nước đất ruộng. Sau 15 ngày, cá linh phát triển được khoảng 6 li, xuất bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, ước tính thu lãi trên 150 triệu đồng cho 3 lao động.

Một mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trồng lúa vùng ngập lũ huyện An Phú, An Giang cũng phát huy hiệu quả. Khi nước dâng cao, mực nước mặt ruộng từ 1,0 - 1,2 m, người dân tiến hành thả tôm giống. "Sau khi tôm nuôi được 3,5 tháng kết hợp với thời điểm nước lũ tràn bờ mang lại nguồn thức ăn tự nhiên rất phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển. Lợi nhuận mang lại từ mô hình này đạt trên 150 triệu đồng/ha/vụ" - ông Trương Danh Lam, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú - hộ dân trực tiếp thực hiện mô hình cho biết.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang tiếp tục nghiên cứu, thực nghiệm phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng xây dựng đa dạng phương thức canh tác, nâng cao hiệu quả lợi nhuận, giúp người dân vùng đầu nguồn ổn định cuộc sống.

Tính chuyện di dời dân cư

Cứ mỗi đợt lũ về, người dân, chính quyền địa phương vùng ĐBSCL lại nơm nớp nỗi lo thiệt hại từ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, vì vậy các tỉnh, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện để di dời dân cư. Hiện toàn tỉnh An Giang có khoảng 21.000 căn nhà được xây dựng cặp các con sông, rạch, nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân, các cấp chính quyền nơi đây đã đưa ra nhiều giải pháp để di dời các hộ dân này.

Tính đến năm 2018, trên địa bàn huyện An Phú đã đầu tư xây dựng được 41 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, với trên 6.400 nền và hiện đã đưa hầu hết các hộ dân vào sinh sống. “Tuy vậy, khảo sát thực tế nhu cầu về nhà ở tại các cụm tuyến dân cư của các hộ dân sống trong khu vực sạt lở, cần di dời còn rất cao. Đây là một trong những vấn đề cấp thiết của địa phương phải giải quyết khi lũ về, nguy cơ sạt lở tăng cao...” - ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang thông tin.

Trước tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng vào mùa mưa lũ, gây nhiều thiệt hại cho người dân, TP. Cần Thơ đã đề ra mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2030, sẽ sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống ổn định cho gần 9.400 hộ dân với trên 37.000 nhân khẩu. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, bố trí ổn định nơi ở cho hơn 5.300 hộ dân tại 6 cụm dân cư tập trung và xen ghép vào tuyến dân cư trên địa bàn 33 xã, phường, thị trấn, ổn định tại chỗ trên địa bàn 25 xã, phường, thị trấn.

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống đã giao cho các Sở, ngành chức năng phối hợp với quận, huyện cập nhật, hoàn thiện, tính toán lại các điểm di dời tái định cư cho người dân, đảm bảo thiết thực, khả thi và không lãng phí. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các biện pháp để hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện di dời, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc di dời đến nơi ở mới.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, từ năm 2019, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đề án di dời dân cấp bách do thiên tai và xây dựng đê bao sông tuyến sông Mái Dầm, huyện Châu Thành để ứng phó với tình hình sạt lở đất. 

Theo đề án, Hậu Giang sẽ tập trung ưu tiên thực hiện các công trình kè bảo vệ cửa sông, xây dựng tuyến đê bao ở những địa bàn có đoạn đang bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp; xây dựng các khu, tuyến dân cư vượt lũ để bố trí ổn định chỗ ở cho khoảng 816 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất...

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, ông Lữ Văn Hùng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần quan tâm tuyên truyền để người dân hiểu được mục tiêu của đề án, tạo sự đồng thuận cao. Đồng thời, khi di dời đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt cuộc sống, người dân yên tâm sống lâu dài tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: