ĐBSCL: Mặn sẽ xâm nhập sâu nội đồng vào tháng 1/2020

Đăng ngày: 04-10-2019 | Lượt xem: 1137
Xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào sâu hơn từ 10-15km so với trung bình nhiều năm cùng với các kỳ triều cường gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.

Đến tháng 1/2020, mặn vào sâu 40-67 km

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, diễn biến mưa trên lưu vực cùng với các tác động do điều tiết thủy điện trên lưu vực, năm 2019 lũ nhỏ, lũ thượng nguồn đang giảm nhanh, mực nước biển hồ Tonle Sap đã đạt đỉnh 7,21m tại Kampong Luong tương đương với dung tích lớn nhất xấp xỉ 38 tỷ m3. Mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu đã đạt đỉnh 3,63m (18/9) và Châu Đốc là 3,15m (ngày 26/9).

Vùng trung tâm ĐBSCL, đỉnh lũ lịch sử tại Cần Thơ 2,25m và Mỹ Thuận 2,12m ngày 30/9. Dự báo lũ thượng nguồn có xu thế giảm và duy trì mực nước cao trên 2,5m tại Tân Châu đến giữa tháng 10. Vùng trung tâm đồng bằng còn bị ảnh hưởng của đợt triều cao vào giữa và cuối tháng 10

hạn mặn ĐBSCL
ĐBSCL đối mặt với hạn mặn xuất hiện sớm mùa khô năm 2019-2020. Ảnh minh họa

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít thuận lợi, nguy cơ mặn xuất hiện sớm hơn và hạn hán thiếu nước có thể xảy ra, dự báo xâm nhập mặn theo các cửa sông. Từ tháng 11, 12/2019, ranh mặn 4 g/lít ảnh hưởng đến 20-30 km (phạm vi này chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi).

Đến tháng 1, 2/2020, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 40-67 km, cao hơn 10-15 km so với TBNN, thấp hơn năm 2016 từ 6 -27 km. Đây là phạm vi ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường.

Sang tháng 3/2020, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Công, trường hợp nguồn nước tăng như thường xuất hiện ở một số năm gần đây xâm nhập mặn sẽ giảm; trường hợp nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 1, 2/2020. Các ngày trường cường, gió chướng mạnh xâm nhập mặn có thể tăng đột biến so với dự báo nhưng ở thời đoạn ngắn.

Chuẩn bị trước kế hoạch ứng phó

Trước dự báo lũ nhỏ ở 2019 và nhận định nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít thuận lợi, nguy cơ mặn xuất hiện sớm và hạn hán thiếu nước có thể xảy ra, Tổng cục Thủy lợi cần xem xét ban hành văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, nhất là tỉnh ven biển: xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án ứng phó phòng chống hạn mặn; tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình tranh thủ lấy, trữ nước.

“Các vùng cách biển đến 30km, nếu xuống giống từ giữa tháng 12/2019 mà không có giải pháp công trình chủ động tiếp nguồn thì nguy cơ xảy ra hạn cao, cần thận trọng xuống giống vụ Đông Xuân”, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo.

Đối với các địa phương vùng ĐBSCL, cần vận hành hệ thống công trình hợp lý với điều kiện lũ nhỏ, chủ động ứng phó với trường hợp lũ thấp nên sâu bệnh và chuột hại có thể xảy ra do đồng ruộng không được cải thiện môi trường. Trước nguy cơ hạn mặn cao ở mùa khô 2019-2020, cần chuẩn bị trước các kế hoạch ứng phó mặn xuất hiện sớm đầu mùa khô (ngay từ tháng 12/2019-1/2020) và nghiêm trọng vào tháng 2 đến đầu tháng 3/2020; bố trí sản xuất sớm các vụ Thu Đông, Mùa và Đông Xuân ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: