Nắng nóng còn kéo dài
Tại Hội nghị về công tác phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Từ nay đến tháng 8/2019, các đợt nắng nóng sẽ còn xuất hiện và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 7/2019 tại các tỉnh Trung Bộ. Tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 10 - 25%, khu vực Tây Nguyên trong tháng 7 - 8 phổ biến xấp xỉ TBNN, tháng 9 cao hơn TBNN từ 10 - 30%.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thời gian tới, miền Trung tiếp tục trải qua thời gian cao điểm khô hạn. Trước đó, nắng nóng kéo dài kỷ lục từ ngày 6/6 tại các tỉnh miền Trung gây hạn hán tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Trong thời kỳ cao điểm, từ 26 - 30/6/2019, đã có hàng trăm điểm phát cháy, trong đó, có 15 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, với diện tích ước tính sơ bộ khoảng trên 100 ha. Một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy rừng như: Ninh Bình (1 vụ); Nghệ An (4 vụ), Hà Tĩnh (3 vụ), Quảng Trị (1 vụ) Thừa Thiên - Huế (3 vụ), TP. Đà Nẵng (1 vụ) và Phú Yên (2 vụ). Trong số các vụ cháy có nhiều vụ đã được khống chế nhưng bùng phát trở lại và kéo dài trong nhiều ngày. Sau một thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, bề mặt thảm phủ thực vật bị suy giảm mạnh. Nếu xảy ra mưa lớn trên diện rộng sẽ gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp…
Sau cơn bão số 2 vừa qua, các hồ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã nhân cơ hội để tích nước, đạt mức 25 - 80% dung tích, các hồ chứa Thanh Hóa, Nghệ An đã tích thêm được 10 - 30%. Dù vậy, theo cơ quan khí tượng, mùa khô 2019, ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ, một số sông thuộc Trung Bộ có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Việc điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, sản xuất của người dân sẽ vẫn gặp trở ngại.
Trong tháng 7, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên không thay đổi nhiều, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10 - 50%; các sông ở Nghệ An, Bình Định đến Ninh Thuận thấp hơn từ 65 - 90%; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ở mức xấp xỉ TBNN. Trong các tháng 8 - 9/2019, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có xu thế tăng dần, khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa và nhỏ; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10 - 35%; sông Cái Nha Trang thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 50 - 85%; riêng các sông ở từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng kỳ từ 10 - 15%.
Tránh tình trạng xảy ra lũ nhân tạo
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, các cơn bão sẽ hoạt động muộn hơn TBNN. Sẽ có từ 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó, gần một nửa ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Từ tháng 7 đến tháng 8, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ…
Hiện nay, đã bước vào mùa mưa lũ, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến khó lường, bởi vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp ứng phó, mục tiêu là giảm thiểu thiệt hại về người do thiên tai, đặc biệt, đối với lũ, sạt lở đất. Các địa phương cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, tránh tình trạng bị động lúng túng khi tình huống thiên tai bất lợi xảy ra, nhất là bão mạnh, lũ lớn; làm mới và cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro thiên tai.
Đặc biệt, cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ công tác vận hành các hồ chứa; tổ chức tính toán phục vụ ra quyết định vận hành trong mùa mưa lũ 2019; trang bị đầy đủ thiết bị quan trắc giám sát và thông tin cảnh báo hạ du; trước khi xả lũ phải thực hiện việc thông báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân khu vực hạ du theo quy định; xây dựng bản đồ, công cụ hỗ trợ phục vụ điều hành hồ.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, khi có bão kèm theo mưa lớn, các địa phương cần hết sức tránh tình trạng xảy ra lũ nhân tạo, các hồ chứa nước ở thượng lưu xả nước làm ngập ở hạ lưu. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh phải hiệp đồng với các đơn vị hồ chứa, tính toán phục vụ và ra quyết định vận hành trong mùa mưa lũ 2019. Cương quyết chỉ đạo các chủ hồ thực hiện trang bị đầy đủ thiết bị quan trắc giám sát và thông tin cảnh báo hạ du như quy định, quy trình xả nước liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện nghiêm việc thông báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ. Các chủ hồ cần phối hợp, hỗ trợ cơ quan thường trực cấp tỉnh trong xây dựng bản đồ, công cụ hỗ trợ phục vụ điều hành hồ đảm bảo an toàn công trình và hiệu quả nguồn nước”.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó với bão mạnh, lũ lớn cấp vùng từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Dự kiến, ban hành hướng dẫn xây dựng và hoạt động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, đảm bảo đến năm 2020 đội xung kích ở các xã được thành lập và hoạt động hiệu quả.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2018, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thiên tai đã làm 58 người chết và mất tích (chiếm 26% cả nước), ước thiệt hại lên đến 2.290 tỷ đồng (chiếm 16% cả nước). Đáng chú ý, trận lũ quét, sạt lở đất tại Nha Trang (Khánh Hòa) vào ngày 18/11/2018 và mưa lũ tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên do ảnh hưởng của không khí lạnh từ ngày 8 - 12/12/2018. Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy là 930ha, tăng 705ha. |
Theo Báo TN&MT