TP Hồ Chí Minh: Triều cường vượt báo động III, nhiều tuyến đường ngập sâu

Đăng ngày: 17-11-2020 | Lượt xem: 2287
Chiều 16/11, đợt triều cường dâng cao đo được tại các trạm Phú An trên sông Sài Gòn tiếp tục gây ngập một số khu vực vùng trũng trên địa bàn TP HCM.

Triều cường gây ngập nhiều quận, huyện vùng trũng của TP Hồ Chí Minh.

Tại khu vực tuyến đường Bình Quới của Q.Bình Thạnh là khu vực trũng của TP HCM đã bị ngập nặng cho triều cường đạt đỉnh.

Người dân tại đây cho biết, mực nước triều cường lên từ sáng cùng ngày, nhiều nhà dân phải dùng bao cát để che chắn để nước không tràn vào nhà. Vào chiều cùng ngày khu vực Bình Quới của bán đảo Thanh Đa vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt triều cường dâng cao.

Ngoài khu vực này, một số tuyến đường ở khu vực Q.2, như Quốc Hương, Thảo Điền; các tuyến Trần Xuân Soạn, Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát (Q.7); Lê văn Lương, Huỳnh Tấn Phát (đoạn qua huyện Nhà Bè) bị ngập sâu trong nước, với thời gian ngập sâu nhất từ 1h đến 4h và từ 15h đến 19h trong ngày.

Trước diễn biến của đợt triều cường, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã có công văn khẩn về triển khai công tác phòng chống, ứng phó với đợt triều cường, diễn ra cao điểm từ ngày 16-17/11.

Đặc biệt, một số quận, huyện vùng trũng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống, đập ngăn triều, kênh dẫn dòng xung yếu.

Các lực lượng Cảnh sát PCCC bố trí máy bơm nước di động để khắc phục các sự cố trong trường hợp ngập úng do triều cường gây ra.

Trước đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ đã đưa ra cảnh báo về đợt triều cường giữa tháng 11 ở TP HCM và một số tỉnh lân cận có thể gây ngập một số khu vực.

Ngoài ra, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn lên cao hơn mức báo động III khiến đỉnh triều cường xuất hiện cao nhất vào các ngày 16 - 17/11. Từ đó, một số khu vực của TP HCM bị ngập. Đáng chú ý, mực nước cao nhất trong ngày tại các trạm Nhà Bè và Phú An đo được ở mức 1,66m (cao hơn BĐ III 0,06m).

Dự báo mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn tiếp tục lên cao vào hôm nay (17/11) và mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể đạt mức 1,70 - 1,75 m (cao hơn báo động III từ 0,1 - 0,15 m), với thời gian đỉnh triều trong ngày từ 5 - 7h sáng và từ 17 - 19h chiều.

Trong một diễn biến khác, trước ảnh hưởng của triều cường, nhiều diện tích mía, cây màu, nhà cửa của người dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) tiếp tục bị ảnh hưởng. Hiện, ngành chức năng đang phối hợp với người dân và các địa phương tích cực gia cố bờ bao, bờ đê để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cù Lao Dung, từ ngày 13-16/11, có 50 đoạn bờ câu (là các đoạn bờ đất giáp sông), đê bao sông, đê bao tả - hữu, bờ bao, tuyến đường giao thông... trên địa bàn huyện bị tràn và vỡ, với tổng chiều dài 333 m. Triều cường dâng cao đã làm ngập 42 căn nhà, 120 ha mía, 3 ha rau màu các loại, 30 ha cây ăn trái, một số diện tích nuôi thủy sản.

Hiện nay, các đoạn bị vỡ và tràn đã và đang được ngành chức năng và người dân khẩn trương gia cố, khắc phục. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện khảo sát danh mục công trình xung yếu, chủ động giao các đơn vị thi công hoàn thành các công trình xung yếu trước đợt triều cường; phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực 24/24 giờ trong đợt triều cường.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã và đơn vị thi công sử dụng phương tiện cơ giới để gia cố, khắc phục ngay các công trình đê bao, công trình công cộng. Riêng các điểm vỡ bờ bao trong khu dân cư, huyện đã chỉ đạo các xã, ấp tuyên truyền người dân sớm khắc phục, trên tinh thần hiệu quả, đảm bảo và giảm thiểu thiệt hại đến tài sản và ảnh hưởng sinh hoạt của người dân tại các điểm bị ngập, sạt lở.

Theo nhận định của nhiều người dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, so với những lần triều cường trước, năm nay, huyện Cù Lao Dung bị ngập nặng hơn nhiều mặc dù trước đó các đoạn đê, bờ bao xung yếu đã được ngành chức năng và người dân trên địa bàn huyện chủ động gia cố.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: