Với sự phát triển như trên, bên cạnh nhiều lợi ích đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề về an toàn giao thông đường thủy. Ở Việt Nam, giao thông đường thủy nội địa chủ yếu vẫn dựa vào điều kiện tự nhiên, chịu ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên của khí hậu, thời tiết, lưu tốc dòng chảy, thủy triều… nên có một số tuyến ngay trên cùng một đoạn sông, kênh trong cùng một ngày cũng có những tiêu chuẩn luồng, tuyến khác nhau, chỉ một số loại phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, bão, giao thông đường thủy chịu tác động nhiều trước sức gió cường độ mạnh, mưa lớn kéo dài…, gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Mưa bão cũng ảnh hưởng, thay đổi các dòng chảy sông, vận tốc dòng chảy, thay đổi chế độ bồi lắng lòng sông ảnh hưởng đến luồng, tuyến, gây hư hỏng cảng, các cảng sông gần cửa biển còn có thể chịu tác động của hiện tượng nước biển dâng, gây khó khăn cho việc neo đậu phương tiện. Ví dụ như trong năm 2015, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông đường thủy của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy, lý do thời tiết xấu, dông lốc bất ngờ dẫn đến tai nạn chiếm 6,59% (6 vụ), làm chết 3 người (7,9%). Như vậy có thể thấy, thời tiết, các điều kiện KTTV có tác động rất lớn đến sự an toàn của hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Nhằm mục đích bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, đã có nhiều quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, trong đó có các văn bản quy định về bảo đảm an toàn của hoạt động này trước tác động của thiên tai. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tại khoản 3 Điều 4 đã quy định “…bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…”; Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về quản lý cảng, bến thủy nội địa quy định, “cảng, bến thủy nội địa bị đình chỉ hoạt động khi điều kiện về địa hình, thủy văn biến động không bảo đảm an toàn cho hoạt động của cảng, bến thủy nội địa”; hoặc tại Điều 6 Thông tư số 12/2018/TT-BGTVT ngày 28/3/2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa quy định nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai là “đ) Theo dõi diễn biến của thiên tai và mức độ ảnh hưởng của thiên tai đối với công trình; theo dõi mức độ chịu thiên tai của các công trình và trang thiết bị”, v.v...
Theo khuyến cáo kỹ thuật của Quốc tế, tại Tài liệu: Sử dụng thông tin KTTV cho vận hành tiếp cận cảng của Hiệp hội quốc tế về vận tải và cơ sở hạ tầng đường thủy (PIANC)[1], việc sử dụng hầu hết các kênh tiếp cận cảng và các kênh điều hướng đều chịu sự chi phối của điều kiện KTTV. Do đó hoạt động quản lý của cơ quan chức năng đường thủy nội địa thường dựa trên các giá trị đặc trưng về mực nước, tốc độ gió, hướng gió, độ cao sóng và tầm nhìn ngang, bao gồm phương pháp, kỹ thuật đo đạc, hệ thống đo lường, thu thập thông tin các yếu tố KTTV có độ tin cậy và độ chính xác cao.
Theo đó, để phù hợp với điều kiện thực tế của các loại công trình cảng thủy nội địa, cũng như đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia, dự thảo Nghị định chỉ quy định áp dụng đối với cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV. Đây là các cảng có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, cũng như có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng, có lưu lượng trên 200.000 khách/năm . Vì vậy, việc bảo đảm an toàn của các cảng loại này trước tác động của thời tiết có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết.
Tin VPTC