Dự thảo Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai gồm 5 Chương, 40 Điều và 12 Phụ lục được bố cục như sau:
Chương 1. Những quy định chung
Chương này gồm 6 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ban hành bản tin dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.
Chương 2. Dự báo, cảnh báo thiên tai
Chương này gồm 5 Mục, 19 Điều (từ Điều 7 đến Điều 25) bao gồm các quy định về việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo; nội dung bản tin; thời gian và tần suất ban hành bản tin. Cụ thể như sau:
Mục 1. Dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, sóng lớn và nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão
Mục này gồm 5 Điều (từ Điều 7 đến Điều 12) quy định về việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo; nội dung bản tin; thời gian và tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, sóng lớn và nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão.
Mục 2. Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
Mục này gồm 3 Điều (từ Điều 13 đến Điều 15) quy định về việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo; nội dung bản tin; thời gian và tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.
Mục 3. Dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn
Mục này gồm 3 Điều (từ Điều 16 đến Điều 18) quy định về việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo; nội dung bản tin; thời gian và tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn.
Mục 4. Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần
Mục này gồm 5 Điều (từ Điều 19 đến Điều 23) quy định về việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo; nội dung bản tin; thời gian và tần suất ban hành bản tin báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.
Mục 5. Dự báo, cảnh báo các loại thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn, hải văn khác
Mục này gồm 2 Điều (Điều 24 và Điều 25) quy định về việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn, hải văn khác: rét hại, sương muối, sương mù, gió mạnh trên biển, dông, lốc, sét, mưa đá…
Chương 3. Truyền tin về thiên tai
Chương này gồm 7 Điều (từ Điều 26 đến Điều 32) quy định về việc cung cấp tin; chế độ truyền phát tin thiên tai.
Chương 4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai
Chương này gồm 6 Điều (từ Điều 33 đến Điều 38) quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trong việc dự báo, cảnh báo, sử dụng thông tin trong chỉ đạo phòng, chống và truyền phát tin thiên tai theo quy định của Luật phòng, chống thiên tai và các quy định liên quan về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương.
Chương 5. Tổ chức thực hiện
Chương này gồm 2 Điều (Điều 39 và Điều 40), quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Quyết định.
Những nội dung mới được điều chỉnh, bổ sung
a) Trong mục giải thích từ ngữ tại Chương I có điều chỉnh, bổ sung một số khái niệm mới (trong thực tế các khái niệm này đang được sử dụng):
Điều chỉnh các khái niệm về nắng nóng, rét hại, nước dâng, lũ và mùa lũ. Do các khái niệm về nắng nóng và rét hại sử dụng trước đây không còn phù hợp với tình hình hiện tại bởi cụm từ “trong mùa đông, trong mùa hè” sử dụng trong khái niệm chỉ phù hợp với khí hậu của miền Bắc, trong khi đó tại các tỉnh miền Nam, cụm từ này không có ý nghĩa vì khí hậu tại đây được chia thành mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Đối với mùa lũ, theo thống kê của các đơn vị dự báo, cảnh báo quốc gia, mùa lũ tại Bắc Bộ, khu vực bắc Trung Bộ có xu hướng kéo dài hơn.
Điều chỉnh các khái niệm về sóng thần, động đất. Vận tốc truyền sóng thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là độ sâu của đáy biển. Với giả thiết là độ sâu đáy biển bằng 4 km, vận tốc sóng thần được xác định bằng 720 km/giờ (hay 200 dặm/giờ). Do vậy, trong khái niệm mới điều chỉnh “Tùy theo độ sâu đáy biển, vận tốc lan truyền sóng thần có thể đạt từ 720 km/giờ trở lên”.
Bổ sung một số khái niệm mới về mưa lớn diện rộng, nắng nóng diện rộng, sóng lớn, gió mạnh trên biển và sương mù (trong đó gió mạnh trên biển và sương mù là hai loại hình thiên tai dự kiến sẽ bổ sung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều).
Điều chỉnh gộp Điều 5 và Điều 6 thành Điều quy định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai để tránh chồng chéo với Điều 27 của Luật khí tượng thủy văn (cùng là quy định về sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tuy nhiên trong Điều 6 của Quyết định số 46 quy định cơ quan ban hành bản tin chính thức, được sử dụng trong chỉ đạo điều hành hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; trong khi đó trong Điều 27 của Luật khí tượng thủy văn quy định về cơ quan phải sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai).
Bổ sung Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam và các cơ quan báo chí vào danh sách quy định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho phù hợp với Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.
b) Trong Chương II điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới: b1) Điều chỉnh Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ thành Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp; gộp Tin bão gần bờ và Tin bão khẩn cấp thành Tin bão khẩn cấp; tăng thời hạn dự báo áp thấp nhiệt đới, bão đến 72 giờ và cảnh báo đến 120 giờ. Trong thực tế đã có những cơn bão khi vượt qua Philippin thì chỉ khoảng 30 giờ sau đã đổ bộ vào đất liền Việt Nam (Bão Xangsane năm 2006), do vậy sẽ không có thời gian để phát tin bão gần bờ. Trong khi đó, ngư trường hoạt động của tàu cá Việt Nam rất rộng (từ phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đến phía Nam Biển Đông tiếp giáp với Indonesia, Malaysia, Bruney....), thời gian hoạt động hầu như thường xuyên, do vậy mặc dù phát tin bão gần bờ đối với đất liền, tuy nhiên trên biển lại hết sức khẩn cấp. Bên cạnh đó, do tính thực tiễn và công nghệ dự báo bão đã được nâng cao hơn nên trong nội dung diễn biến của bão, tăng thời hạn dự báo lên 72 giờ và cảnh báo đến 120 giờ nhằm chủ động cho công tác phòng, chống thiên tai của địa phương. b2) Bổ sung quy định chi tiết về điều kiện ban hành, nội dung tin dự báo, cảnh báo và tần suất, thời gian ban hành bản tin đối với các thiên tai: sóng lớn và nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão; mưa lớn; ngập lụt; lũ quét và sạt lở đất do mưa lũ hoặc do dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; xâm nhập mặn. b3) Điều chỉnh Tin cảnh báo sóng thần mức 1: tin cảnh báo sóng thần mức 1 được ban hành khi phát hiện động đất mạnh, có khả năng gây sóng thần, khuyến cáo sẵn sàng sơ tán. Thêm động từ “phát hiện” cho đúng cú pháp và rõ nghĩa của mệnh đề.
c) Trong Chương III về truyền tin thiên tai:
Biên soạn lại nội dung trong thời gian cung cấp thông tin về thiên tai cho ngắn gọn và phù hợp với tiêu đề của Điều.
Điều chỉnh phương thức cung cấp thông tin về thiên tai để có thể bao quát được hết các hệ thống thông tin công cộng.
Điều chỉnh chế độ truyền, phát tin về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam để tạo hiệu quả truyền thông, giúp người dân dễ hiểu về các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Điều chỉnh chế độ truyền, phát tin về các loại thiên tai khác cho phù hợp với các loại thiên tai được bổ sung thêm.
d) Trong Chương IV về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
Bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo doanh nghiệp thông tin di dộng nhắn tin về thiên tai theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan báo chí phải đưa đầy đủ, chính xác nội dung các bản tin thiên tai được quy định trong Quyết định, trong các bản tin chuyên đề, bình luận có thể biên tập lại một phần bản tin về thiên tai, nhưng không được làm sai lệch nội dung của bản tin.
Điều chỉnh trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trong việc chỉ đạo Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cập nhật, cung cấp thông tin thực tế về thiệt hại của thiên tai cho cơ quan dự báo, cảnh báo nhằm xác định đúng mức độ rủi ro của từng loại hình thiên tai.
Bổ sung trách nhiệm của Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố theo ý kiến của một số địa phương: Phối hợp với các đơn vị dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn địa phương trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các sở, ngành có liên quan xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai tại địa phương và khai thác sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Cập nhật tên mới của các Bộ, ban, ngành: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Điều chỉnh Chương V về hiệu lực thi hành: quy định hết hiệu lực pháp lý đối với Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Trong phần Phụ lục: Điều chỉnh phụ lục III về quy định danh sách các sông do các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh dự báo, cảnh báo lũ: từ 115 điểm dự báo tăng lên 188 điểm dự báo cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu trong công tác phòng, chống lũ, ngập lụt của địa phương. Điều chỉnh phụ lục V về danh sách cơ quan cung cấp và cơ quan được cung cấp tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Điều chỉnh một số địa danh bắn pháo hiệu báo tin áp thấp nhiệt đới, bão cho phù hợp với thực tế. Điều chỉnh và cập nhật phụ lục XII về bản đồ nguồn vùng phát sinh động đất có khả năng gây sóng thần nguy hiểm cho Việt Nam.
Tin VPTC