Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp
Theo đại diện JICA, Dự án SPI-NAMA mới bổ sung hợp phần về đánh giá nhu cầu công nghệ các bon thấp tại Việt Nam vào tháng 9/2016. Mục tiêu nhằm xác định tính khả thi của các lựa chọn công nghệ các bon thấp có thể áp dụng cho Việt Nam, bằng việc thiết kế một danh sách tham khảo về công nghệ và xác định nhu cầu quốc gia, đề xuất một gói công nghệ cụ thể mà Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua cơ chế hỗ trợ cho vay.
Đại diện JICA đề xuất các phương án đánh giá nhu cầu công nghệ các bon thấp tại Việt Nam
Sau chuyến khảo sát đánh giá việc triển khai Dự án SPI-NAMA cuối tháng 9 vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam tái khẳng định các nội dung hoạt động của hợp phần 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh (đào tạo tăng cường năng lực, kết nối với hợp phần đánh giá nhu cầu công nghệ…). Hợp phần này sẽ góp phần xây dựng Nghị định về Lộ trình và phương thức giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Tháng 12 tới đây, Dự án sẽ tổ chức chuyến khảo sát tại Nhật Bản nhằm trao đổi và cập nhật việc thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định của 2 nước, tham quan công nghệ các bon thấp được áp dụng tại Nhật và các chương trình song phương có thể nhân rộng tại Việt Nam. Đồng thời, giúp các chuyên gia của Việt Nam làm quen với các biện pháp chính sách tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định tầm quan trọng của Dự án SPI-NAMA đối với lộ trình cắt giảm khí nhà kính của Việt Nam. Thứ trưởng giao Cục KTTV&BĐKH khẩn trương hoàn thiện các căn cứ, cơ sở khoa học từ nguồn lực của Dự án SPI-NAMA và JICA để đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ khí nhà kính tại Việt Nam vào năm 2017, chính thức ban hành vào năm 2018. Ngoài ra, Cục Cục KTTV&BĐKH cũng phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM thực hiện hợp phần 2 của Dự án, tiếp tục phối hợp với JCA thực hiện đánh giá nhu cầu công nghệ các bon thấp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Báo TN&MT