Theo Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm cải cách hành chính 5 năm tới của Bộ Tài chính là: cải cách thể chế tài chính, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính ngành tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển ngành tài chính.
Đổi mới, nâng cao chất lượng thể chế tài chính
Trong giai đoạn này, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực tài chính để cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, minh bạch, hiện đại, hội nhập. Tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh. Tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế lĩnh vực tài chính qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Đổi mới và nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đầy đủ, cụ thể, thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế, công khai, minh bạch, phát triển đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất. Tập trung ưu tiên cải cách thể chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ đó góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bảo đảm quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ các cơ quan thuộc Bộ Tài chính được thực hiện bằng phương thức điện tử. Tối thiểu 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên.
Đổi mới, cải tiến phương thức làm việc
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Tài chính sẽ được phân định rõ, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ. Giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ Tài chính đạt tối thiểu 90%.
Về cải cách chế độ công vụ, Bộ Tài chính hướng tới xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Đến năm 2025 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Cải cách tài chính công
Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính đặt mục tiêu sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Đến năm 2025, đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động, tích cực của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính bảo đảm an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Bảo đảm đáp ứng các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào NSNN, tổng chi NSNN, tỷ lệ bội chi NSNN... theo chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Tài chính sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính hướng tới Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ số và các công cụ số hóa. Góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng tài chính điện tử, Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.
Mục tiêu đến năm 2025, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thí điểm công nghệ Big Data. Cơ bản các lĩnh vực tài chính có cơ sở dữ liệu mở trong phạm vi ngành Tài chính (các lĩnh vực thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính) phù hợp với quy định tại Luật tiếp cận thông tin và được công khai trên môi trường mạng.
Vụ KHTC