Bộ Tài chính đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến việc chậm giải ngân vốn ODA

Đăng ngày: 22-10-2019 | Lượt xem: 92990
Các vấn đề như là chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ cũng như công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ, dẫn đến chất lượng hồ sơ có nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh… Điều này làm kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước nên khi triển khai thực hiện còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án

Tình hình hiện nay đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg  về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo Công điện này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi đôn đốc quyết liệt. Chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đấu thầu; hoàn thiện thủ tục thanh toán; xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình…

Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này. Kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, một nguyên nhân chính là tính sẵn sàng của các dự án đầu tư, ví dụ điều chỉnh kế hoạch vốn, tăng tổng mức đầu tư, triển khai theo trình tự thủ tục lâu. Hơn nữa, nhiều dự án gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Khâu tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với các nhà thầu cũng vướng mắc, có trường hợp dự án được ghi kế hoạch, giao vốn nhưng lại không đủ điều kiện giải ngân rút vốn. Ngược lại, có những chương trình dự án không được ghi đủ kế hoạch vốn, điều này đòi hỏi trách nhiệm các Bộ, ngành địa phương, các ban quản lý dự án quan tâm quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc… Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng yêu cầu giải quyết các nội dung vướng mắc khác liên quan đến vấn đề vay vốn về cho vay lại tại các địa phương.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: