Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đăng ngày: 20-07-2020 | Lượt xem: 717

Mục tiêu

Tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt trách nhiệm theo phân công tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương nhằm phát huy hiệu quả vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo, đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với những nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới nói riêng và bảo vệ môi trường nông thôn nói chung.

Tiếp tục đánh giá những thành quả đã đạt được của quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 10 năm vừa qua, phân tích những tồn tại, vướng mắc để định hướng cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn trong giai đoạn 10 năm tới.

Tiếp tục từng bước củng cố, hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường phù hợp với khu vực nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phát huy các nguồn lực của ngành tài nguyên và môi trường (cả cấp Trung ương và địa phương) gắn với công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Nhiệm vụ

Thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và thành viên kiêm nhiệm Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương:

- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

- Tham gia các Đoàn công tác liên Bộ thẩm tra kết quả xây dựng nông thôn mới tại các huyện (hoặc đơn vị cấp huyện) đạt chuẩn.

- Tổ chức làm việc với các địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) về công tác xây dựng nông thôn mới do Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường là trưởng đoàn theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương.

- Tham gia các hoạt động của Ban Chỉ đạo (Hội đồng thẩm định Trung ương xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố/thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp quốc gia; hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề, khảo sát...).

Cập nhật, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; đánh giá việc tích hợp, vận dụng, lồng ghép “Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020” (Đề án 712) đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đặc biệt tập trung vào các nội dung sau:

- Cập nhật bổ sung thực trạng và kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

- Đánh giá công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các loại chất thải đặc thù khác như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp...; cơ chế chính sách; các mô hình thu gom và xử lý các loại chất thải này.

- Đánh giá công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, làng nghề...; các mô hình xử lý nước thải phân tán cụm dân cư tập trung.

- Đánh giá hoạt động (mô hình cộng đồng) tham gia bảo vệ môi trường tiêu biểu nhằm rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng.

- Rà soát khung thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn và đề xuất lộ trình sửa đổi, hoàn thiện.

- Rà soát cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nhằm huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trong xử lý chất thải nông thôn.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đề xuất nội dung, giải pháp mang tính định hướng nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới (tham mưu đề xuất xây dựng Đề án về bảo vệ môi trường nông thôn), bao gồm:

- Các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, chế biến, làng nghề... sạch, an toàn, thân thiện với môi trường (sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện môi trường; sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả; áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn).

- Các giải pháp về cơ chế chính sách, hình thành thị trường trao đổi chất thải; các giải pháp giảm thiểu, tận thu, tái chế, tái sử dụng, xử lý an toàn về môi trường đối với các loại chất thải: Chất thải rắn sinh hoạt; chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, phụ phẩm sau thu hoạch, chất thải chăn nuôi... và các loại chất thải hữu cơ khác theo hướng tận thu, tái chế, tái sử dụng cho các hoạt động sản xuất khác, ứng dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn).

- Các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, mô hình quản lý và xử lý các nguồn nước thải: Sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề, chế biến nông lâm thủy sản, nuôi trồng thủy sản...

- Các giải pháp, biện pháp công nghệ, kỹ thuật, mô hình quản lý chất lượng môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn; cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình, cụm dân cư; nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua quản lý nguồn nước cấp sinh hoạt và bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Các giải pháp, biện pháp nâng cao vai trò và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác thu gom, xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường nông thôn.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tham gia xây dựng hợp phần (hoặc các nội dung về môi trường) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện:

- Xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (báo cáo khả thi); xây dựng và trình các đề án, dự án, nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện có hiệu quả Chương trình.

- Hoàn thiện Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng các văn bản, công cụ hướng dẫn/hỗ trợ thực hiện (về chính sách, kỹ thuật và các công cụ huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn).

Tiếp tục hoàn thiện và củng cố khung pháp lý về bảo vệ môi trường nông thôn với các công cụ hỗ trợ cần thiết để triển khai thực hiện:

- Rà soát, đề xuất sửa đổi các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nông nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề...) và các văn bản hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện và năng lực thực tiễn.

- Rà soát, hoàn thiện (hoặc đề xuất hoàn thiện) các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phù hợp với điều kiện nông thôn (bao gồm cả đề xuất hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, giao thông, y tế...).

- Đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn và đề xuất định hướng hoàn thiện.

- Đề xuất, xây dựng các mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường nông thôn (mô hình xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn; mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; mô hình xử lý chất thải rắn nông thôn bằng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam; mô hình hồ sinh thái, quản lý và xử lý nước hồ ô nhiễm...) để phổ biến và nhân rộng.

Tin KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: