Tăng cường khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ cộng đồng

Đăng ngày: 27-01-2021 | Lượt xem: 2130
Chiều ngày 26/1/2021, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức Hội thảo “Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ cộng đồng”. Hội thảo giới thiệu về hệ thống thông tin, truyền tin hỗ trợ dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ cộng đồng. Đồng thời, giới thiệu về App thời tiết, fanpage facebook, zalo và một số tính năng nổi bật.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội KTTV Việt Nam; đại diện các đơn vị của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cùng hơn 100 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí theo dõi lĩnh vực khí tượng thuỷ văn.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết năm 2020 được đánh giá là một năm của thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền đất nước: Ngay giờ đầu, ngày đầu của Tết Canh Tý năm 2020 mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành của miền Bắc. Mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục 2016. Mùa mưa, khúc ruột miền Trung phải hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 42 ngày, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 06 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3-5,5 lần so với TBNN với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lũ lớn xảy ra trên hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5-2,0m, nhiều sông vượt mức lũ lịch sử; ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.

Trước những khó khăn, thách thức trong năm 2020, Tổng cục KTTV tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ, của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, ngày hôm nay, tại phiên họp chính thức đầu tiên của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày và nhắc đến một trong các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 trọng tâm mà các Văn kiện trình Đại hội XIII đã đề ra là “Xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh”.

Bên cạnh sự ủng hộ của các cấp trên, sự đoàn kết, thống nhất giữa các đơn vị trực thuộc Tổng cục từ Trung ương tới địa phương; sự chia sẻ thông tin và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn truyền thông, báo chí trong việc truyền tải chính xác, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo, các thông điệp về tác động tiềm ẩm của thiên tai tới các cấp chính quyền và người dân cả nước; giúp cho Tổng cục KTTV hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cũng tạo Hội thảo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã giới thiệu những phương thức tuyên truyền, cung cấp thông tin báo chí hiện nay cũng như những định hướng, đổi mới trong thời gian tới đặc biệt là việc thay đổi các mẫu bản tin theo hướng tiếp cận cộng đồng hơn, dễ hiểu hơn và sẽ xin ý kiến các đơn vị cũng như báo chí trong thời gian tới. Đồng thời, Trong năm 2021, Tổng cục sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền trên các kênh thông tin như App điện thoại, Fanpae, Facebook, Zalo.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trình bày báo cáo tại Hội thảo

Ông Hoàng Phúc Lâm giới thiệu về ứng dụng Thời tiết của Tổng cục KTTV trên nền điện thoại di động và chỉ ra những tính năng nổi bật của App thời tiết này. Ông nhấn mạnh, các thông tin trên App là nguồn thông tin chính thống của Tổng cục KTTV từ các số liệu quan trắc tới dự báo, cảnh báo. Số liệu được cập nhật theo số liệu quan trắc của các quan trắc viên cũng như các dự báo tổng hợp của các dự báo viên. Tính năng “thông báo tức thời” cho người dùng khi có cảnh báo thiên tai tại địa điểm người dùng quan tâm hoặc vị trí hiện tại của người dùng.

Đặc biệt, App thời tiết liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông sét, ngập úng, lũ quét… từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Đây là một điểm duy nhất chỉ có trên App của Tổng cục KTTV mà không có ở bất cứ ứng dụng nào khác.

Với phiên bản mở đầu, số liệu quan trắc thời tiết đã cập nhật 3 giờ/lần; thông tin dự báo 7 ngày cho 63 tỉnh thành trên cả nước và được cập nhật hằng ngày.

Theo ông Lâm, Trung tâm dự kiến nâng cấp số liệu quan trắc cập nhật lên 1 giờ/lần; thông tin dự báo 7 ngày cho địa điểm bất kỳ và được cập nhật liên tục hàng giờ. Bên cạnh đó, nâng cấp số liệu ra-đa, vệ tinh, định vị sét; số liệu mô hình dự báo; cung cấp thông tin kiến thức KTTV, dự báo dài hạn, video thời tiết, thông tin phục vụ các chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau; tích hợp Facebook, Zalo… thông qua App thời tiết.

Fange của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia:

https://www.facebook.com/NCHMF/

Liên kết tải phần mềm App thời tiết:

Android: https://play.google.com/store/apps/details... or IOS: https://apps.apple.com/us/app/id1537348548

Toàn cảnh Hội thảo

Bài và ảnh: Bùi Dịu - Thu Hằng

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: