Hội thảo khoa học: Phương pháp luận dự báo dòng chảy (lũ/ kiệt) trong điều kiện thiếu/ không có số liệu quan trắc ứng dụng cho lưu vực sông Mê Kông

Đăng ngày: 03-04-2021 | Lượt xem: 7036
Chiều ngày 2/4/2021, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Phương pháp luận dự báo dòng chảy (lũ/ kiệt) trong điều kiện thiếu/ không có số liệu quan trắc, ứng dụng cho lưu vực sông Mê Kông”. Đây là chương trình hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ Nghị định thư Việt Nam - Liên bang Nga “Xây dựng cơ sở phương pháp luận và công nghệ quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông trong điều kiện thiếu/không có số liệu quan trắc về khí tượng thủy văn ứng dụng cho lưu vực sông Mê Kông” mã số NĐT.58.RU/19 do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN là cơ quan chủ t

Tới tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Hoàng Thị Minh Thảo, Trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ, TS. Nguyễn Kim Cương, Phó trưởng Khoa KTTV&HDH và PGS.TS. Trần Ngọc Anh - chủ nhiệm nhiệm vụ.

Về phía các cơ quan và chuyên gia, nhà khoa học có sự hiện diện của Ông Vũ Đức Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam,  Bộ NN&PTNT, Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cùng với các đại diện Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ TN&MT; đại diện Trường Đại học Thủy lợi; đại diện Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển cùng sự hiện diện của quý thầy cô, các nhà khoa học, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực khoa học trái đất, khí tượng thủy văn.

Chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ: “Đồng bằng Sông Cửu Long có một vị trí chính trị - xã hội vô cùng quan trọng đối với đất nước ta. Đối với đồng bằng Sông Cửu Long, dòng sông Mê Kông như một mạch máu của cả khu vực. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Kông hiện nay đang chịu thách thức lớn của biến đổi khí hậu cũng như chịu tác động từ những công trình, dự án xây dựng đập thủy điện chắn nước trên lưu vực sông cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao nhiệm vụ NĐT.58.RU/19 cho PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường ĐHKHTN làm chủ nhiệm với mục tiêu cung cấp công cụ tiên tiến để dự báo về khí tượng và thủy văn ở lưu vực sông các dòng sông trong điều kiện thiếu hoặc không có dữ liệu quan trắc áp dụng cho lưu vực sông Mê Kông. Cho tới nay, dự án đã đi được gần nửa chặng đường, trong thời gian đó với sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghiên cứu viên cũng như của các đơn vị hỗ trợ, nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.”

PGS.TS. Trần Quốc Bình đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của những đóng góp, bổ sung, chia sẻ tại buổi hội thảo tới việc cho ra đời sản phẩm tốt nhất, có giá trị nhất từ nhiệm vụ nghiên cứu này. Nhân dịp này, Phó Hiệu trưởng, Trần Quốc Bình đã gửi lời cảm ơn tới Bộ Khoa học và Công nghệ đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Nhà trường, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đơn vị phối hợp của nhiệm vụ là: Cục Viễn Thám Quốc gia - Bộ TN&MT, Đài KTTV khu vực Nam Bộ - Tổng Cục KTTV cùng các đơn vị đã nhiệt tình hỗ trợ nhà Trường trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vừa qua như: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Đài KTTV khu vực Tây Nguyên, Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, .... cũng như cảm ơn toàn thể các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đã bớt thời gian quý báu đến tham dự và đóng góp ý kiến cho buổi hội thảo. 

Thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ, PGS.TS. Trần Ngọc Anh - chủ nhiệm nhiệm vụ đã có bài trình bày giới thiệu tổng quan về nhiệm vụ. Theo PGS.TS. Trần Ngọc Anh chia sẻ, trong điều kiện khi việc sử dụng các số liệu vệ tinh trong dự báo khí tượng, thời tiết ngày càng phổ biến tuy nhiên nhiều lưu vực đang nằm trong tình trạng thiếu số liệu hoặc không có các trạm quan trắc mặt đất đã hạn chế khả năng dự báo khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó khi các hồ chứa trên lưu vực sông ngày càng được xây dựng nhiều hơn đã ảnh hưởng tới vấn đề dự báo dòng chảy của sông. Trước thực tế đó đã đặt ra một nhiệm vụ cấp bách trong việc xác lập phương pháp ứng dụng các công nghệ hiện đại tích hợp các nguồn số liệu để dự báo thủy văn phục vụ quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông lớn trong điều kiện thiếu/ không có tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và sự vận hành của các hồ chứa. Lưu vực sông Mê Kông được lựa chọn để ứng dụng công nghệ bởi lẽ đây là một dòng sông có tầm quan trọng lớn đối với môi trường và kinh tế - xã hội của đất nước ta tuy nhiên lại đang thiếu khá nhiều dữ liệu trên các lưu vực của sông song song với việc ngày càng có nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng trên lưu vực con sông này. Chính từ những cấp thiết đó, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đi tới quyết định lựa chọn sông Mê Kông cho những phương pháp luận mới của mình với hy vọng sẽ có nhiều hỗ trợ cho công tác dự báo khí tượng thủy văn và tài nguyên nước tại khu vực nơi đây.

Để trao đổi thông tin và chia sẻ các kết quả nghiên cứu trên lưu vực sông Mê Kông, Ban tổ chức đã mời PGS.TS Hoàng Thanh Tùng, giảng viên Trường Đại học Thủy lợi trình bày các kết quả cơ bản của đề tài NCKH cấp Nhà nước “Giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện thiếu số liệu quan trắc ở lưu vực sông Mê Kông ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Kết thúc các báo cáo, các chuyên gia và những nhà hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn tham gia hội thảo đã có nhiều trao đổi và nhận xét đánh giá tốt những kết quả mà nhóm nghiên cứu nhiệm vụ đã thu được trong thời gian vừa qua.

Ông Vũ Đức Long - Đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo cũng đánh giá rất cao sản phẩm của nhiệm vụ. Ông hy vọng rằng khi sản phẩm hoàn thiện sẽ được tiến hành chuyển giao và đào tạo cho các chuyên viên trong ngành để có thể ứng dụng vào công việc một cách hiệu quả. Đặc biệt ông Vũ Đức Long cũng mong muốn được chia sẻ nguồn dữ liệu tham khảo với nhóm nghiên cứu và hy vọng những dữ liệu đó sẽ có thể hỗ trợ cho công việc nghiên cứu đạt kết quả tốt hơn.

Tin bài: Tạp chí KTTV

 

 

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: