Châu Âu 'mệt nhoài' vì hạn hán

Đăng ngày: 11-08-2022 | Lượt xem: 1932
Mực nước ở các sông, hồ và hồ chứa trên khắp Tây Âu đang ở mức thấp, thậm chí khô cạn, trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ đang gây căng thẳng cho nguồn cung cấp nước uống, cản trở vận tải đường sông và du lịch, đồng thời đe dọa năng suất cây trồng.

Nhiều con sông ở châu Âu có mực nước thấp kỷ lục. Ảnh: AP.

Nhiều con sông ở châu Âu có mực nước thấp kỷ lục. Ảnh: AP.

Cản trở giao thông đường thủy

Công việc kinh doanh du lịch của chị Francoise Droz-Bartholet đã giảm xuống mức nhỏ giọt, giống như những đoạn sông Doubs chạy qua biên giới Pháp-Thụy Sĩ mà các tàu du lịch thường đi qua.

Sông Doubs chảy qua một hẻm núi có rừng và đổ qua các thác nước trước khi đổ ra hồ Brenets, một điểm thu hút khách du lịch ở vùng Jura, miền Đông nước Pháp. Nhưng sau nhiều tháng trời không có mưa, nước sông đã rút ngược lên hẻm núi và chảy chậm vào hồ theo một con kênh hẹp. "Chúng tôi hy vọng đợt hạn hán này chỉ là một ngoại lệ chứ không phải quy luật" - chị Droz-Bartholet cho biết.

Dữ liệu của Đài quan sát Hạn hán châu Âu vừa mới công bố cho biết, 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán.

Các phát hiện dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7, cho thấy, 45% lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) trong tình trạng cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7. Ngoài ra, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.

Ngày 9/8, Cơ quan giám sát khí hậu EU (Copernicus) cũng báo cáo rằng, châu Âu tiếp tục oi bức, với nhiệt độ lên tới 40 độ C trong ít nhất một ngày ở Tây Ban Nha, Pháp và Vương quốc Anh.

Theo Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 cũng là thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận ở nước này với trữ lượng nước ở mức thấp nhất mọi thời đại. Nông dân ở miền Nam nước này lo ngại đợt hạn hán khắc nghiệt có thể làm giảm gần 1/3 sản lượng dầu ô liu của đất nước.

Chính phủ Hà Lan cũng chính thức tuyên bố tình trạng thiếu nước vào ngày 3/8 vừa qua. Tại Pháp, ngày 5/8, Thủ tướng Élisabeth Borne đã công bố các quy định hạn chế sử dụng nước chưa từng có, như cấm người dân tưới cỏ, rửa xe và ngăn nông dân tưới cây. Nước Pháp đã ghi nhận tháng 7 là tháng khô hạn nhất trong hơn 60 năm qua, với lượng mưa chỉ 9,7 mm. Theo đó, hơn 100 xã và thị trấn của Pháp phải đợi xe tải cung cấp nước.

Tại Đức, các tàu chở hàng không thể chở đầy hàng dọc theo tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển hàng hóa là sông Rhine và dọc theo sông Po - con sông dài nhất Italy, những bãi cát lớn hiện đang phơi mình dưới ánh nắng mặt trời khi mực nước giảm mạnh.

Thời tiết khô hạn cũng dẫn đến các vụ cháy rừng gia tăng, với diện tích rừng bị cháy lớn chưa từng có, đặc biệt là ở Địa Trung Hải. Một khu vực có diện tích gấp đôi thủ đô Rome của Italy đã bị lửa thiêu rụi chỉ trong tháng 7 vừa qua.

Chuẩn bị cho tình trạng hạn hán kéo dài

Theo Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh (UKCEH), quốc gia này sẽ phải đối mặt với điều kiện hạn hán kéo dài cho đến tháng 10, với các con sông được dự báo ở mức thấp và đặc biệt thấp ở miền Trung và miền Nam đất nước. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho việc trồng trọt, vì phần lớn đất quá khô để gieo trồng, trong khi nhiều loại cây trồng cần phải được gieo đúng mùa vụ vào cuối tháng 10.

Theo số liệu của Văn phòng Khí tượng Anh (Met Office), miền Đông Nam nước Anh đã có 144 ngày ít hoặc không mưa kể từ tháng 1, đây là khoảng thời gian khô hạn dài nhất kể từ những năm 1970.

Mô hình hóa từ UKCEH với dữ liệu từ Met Office cho thấy, nước Anh cần lượng mưa trên mức trung bình để đưa các con sông ở phần lớn đất nước trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, lượng mưa được dự báo có khả năng sẽ đổ bộ ở phía Tây Bắc, nơi các dòng sông đang chảy tốt hơn, trong khi phía Đông Nam lại khô cằn hơn.

Bà Catherine Sefton - nhà thủy văn tại UKCEH cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến một thời gian dài lượng mưa dưới mức trung bình, hiện tượng khô hạn đã kéo dài từ tháng 11/2021 đến tháng 7 năm nay. Xấu hơn là tình trạng khô hạn không hề thuyên giảm mà còn gia tăng vào tháng 7, khi lượng mưa vẫn ít hơn 10% so với thông thường, được ghi nhận trên hầu hết các vùng phía Đông Nam nước Anh. Tình hình tiếp tục diễn ra vào tháng 8, khi khu vực này không nhận được lượng mưa nào cho đến nay”.

Nhà khoa học cấp cao tại Viện James Hutton, Mike Rivington, cho biết: “Quy mô của các đợt nắng nóng và hạn hán mà chúng ta đang trải qua đã được các nghiên cứu khí hậu dự đoán trong nhiều năm nay. Những gì chúng ta đang thấy là một tín hiệu rõ ràng về tương lai sẽ như thế nào”.

Công ty cung cấp nước Thames Water, nhà cung cấp chính cho London và khu vực lân cận cho biết, công ty hiện đang phải kêu gọi người dân tiết kiệm nước, nhưng “giai đoạn tiếp theo” sẽ buộc phải đưa ra lệnh cấm tạm thời việc sử dụng vòi nước để tưới cây, trong nỗ lực đối phó với tình trạng khô hạn. Cũng theo Thames Water, nhu cầu gần đây đã tăng cao nhất trong hơn 25 năm qua trong khi nguồn cung nước lại thấp hơn bình thường.

Để đối phó với tình trạng hạn hán, Thames Water cũng chuẩn bị một kế hoạch, trong đó có việc sử dụng nhà máy khử muối, nhằm loại bỏ muối khỏi nước, ở phía Đông London khi tình trạng căng thẳng về nhu cầu sử dụng nước xảy ra. Nhà máy này vốn được hoàn thành vào năm 2010, nhưng nay đã không còn hoạt động. Công ty cho biết đang làm việc “càng nhanh càng tốt để sẵn sàng đưa vào sử dụng vào đầu năm tới, nhằm bảo vệ nguồn cung cấp nếu lại có một mùa Đông khô hạn nữa”.

Dữ liệu của Đài quan sát Hạn hán châu Âu vừa mới công bố cho biết, 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán. Các phát hiện dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7, cho thấy, 45% lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) trong cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7. Ngoài ra, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-au-met-nhoai-vi-han-han-5693659.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: