Hạn hán

Đăng ngày: 13-03-2020 | Lượt xem: 14500
Hạn hán là thời kỳ khô hạn kéo dài trong chu kỳ khí hậu tự nhiên, có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Đây là một hiện tượng khởi phát chậm có nguyên nhân từ thiếu hụt lượng mưa. Các yếu tố đồng thời xuất hiện như nghèo đói và sử dụng đất không phù hợp cũng làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của cộng đồng đối với hạn hán.

Ảnh minh họa. Nguồn WMO

Hạn hán có tác động lớn đến an ninh lương thực, sức khỏe và vấn đề di cư.

Kể từ thời xa xưa, hạn hán là một đặc điểm tự nhiên trong chu kỳ thay đổi khí hậu của chúng ta. Nhưng tần suất, cường độ và thời gian hạn hán dự kiến ​​sẽ gia tăng ở một số nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu, cùng với sự tăng trưởngdân số và kinh tế.

Theo thống kê, hạn hán là thảm họa thiên nhiên gây tốn kém nhất thế giới, chiếm 6-8 tỷ đô la Mỹ hàng năm và ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kỳ loại hình thảm họa tự nhiên nào khác. Kể từ năm 1900, hơn 11 triệu người đã chết vì hạn hán và 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng.

Kể từ những năm 1970, diện tích đất bị khô hạn bởi hạn hán đã tăng gấp đôi, làm suy yếu sinh kế, đảo ngược lợi ích phát triển và làm gia tăng nghèo đói đối với hàng triệu người sinh sống phụ thuộc trực tiếp vào đất đai. Trong giai đoạn từ 1970 đến 2012, hạn hán cướp đi 680.000 sinh mạng, trong đó có thể kể đến những đợt hạn hán nghiêm trọng ở Châu Phi vào các năm 1975, 1983 và 1984.

Mặc dù vậy, các nước trên thế giới còn đang thiếu các chính sách quản lý hạn hán hiệu quả. Ứng phó với hạn hán có xu hướng riêng lẻ và bị động, chứ chưa cósự chủ động cần thiết.

Sáng kiến ​​của WMO

Chương trình quản lý hạn hán tích hợp (IDMP) là một sáng kiến ​​chung giữa WMO và Các đối tác nước toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác để hỗ trợ các bên liên quan bằng cách cung cấp cho họ các hướng dẫn về chính sách và quản lý, chia sẻ các kiến ​​thức và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất nhằm tăng cường năng lực quản lý hạn hán tích hợp.

Điều này dựa trên 3 trụ cột:

1. Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm: Điều quan trọng là phải giám sát các chỉ số hạn hán như lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm đất, thảm thực vật, dòng chảy và nước ngầm. Hệ thống cảnh báo sớm sẽ phân tích các chỉ số hạn hán và phổ biến bản tin dự báo hạn hán cho người dùng một cách kịp thời.

2. Đánh giá tính dễ bị tổn thương và tác động: Đánh giá tính dễ bị tổn thương và đánh giá tác động trên cơ sở xem xét các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường để xác định mức độ nhạy cảm của cộng đồng đối với các rủi ro từ hạn hán. Ví dụ, phụ nữ, trẻ em, dân du mục, nông dân và công đồng cư dân sinh sống ở các khu vực hẻo lánh có thể là những nhóm dân số dễ bị tổn thương.

3. Giảm nhẹ và ứng phó: Giảm nhẹ hạn hán bao gồm cả các giải pháp công trình (các dự án kỹ thuật, đập chứa nước, kế hoạch canh tác phù hợp) và các giải pháp phi công trình (chính sách, nhận thức cộng đồng và khung pháp lý) cần thiết để hạn chế tác động bất lợi của hạn hán. Ứng phó hạn hán còn cần đề cập đến sự hỗ trợ kịp thời trước và sau hạn hán của Cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ cuộc sống và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cộng đồng bị ảnh hưởng.

Thống kê nhanh:

Hàng năm, tình trạng mất an ninh nguồn nước gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 500 tỷ đô la.

Thời gian khô hạn dài nhất từng được ghi nhận là 172 tháng (10 tháng 10 năm 1903 - 1 tháng 1 năm 1918) tại Arica, Chile.

Biên tập: Tạp chí KTTV

(Nguồn: https://worldmetday.wmo.int/)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: