Tạp chí Khí tượng Thủy văn - Những cột mốc đáng nhớ trong quá trình khẳng định vị thế và nâng cao chất lượng

Đăng ngày: 10-04-2023 | Lượt xem: 4482
Tạp chí Khí tượng Thủy văn (KTTV) (ra đời năm 1956 với tiền thân là Nội san KTTV) đã trải qua gần 70 năm hoạt động với nhiều bước tiến nổi bật, trong đó phải kể đến các kết quả đáng ghi nhận trong hành trình gia nhập các hệ thống trích dẫn quốc tế.

Năm 2018, Tạp chí Khí tượng Thủy văn (Tạp chí) xuất bản 01 số tiếng Anh đầu tiên bên cạnh các số định kỳ xuất bản bằng ngôn ngữ tiếng Việt truyền thống. Đây là giai đoạn đổi mới và chuyển mình của Tạp chí với định hướng hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Tạp chí đã cập nhập hồ sơ xuất bản bản in của toàn bộ các ấn phẩm là các bài báo khoa học từ năm 1980 lên hệ thống Google Scholar với 3308 bài báo trên cơ sở dữ liệu trích dẫn (Google scholar). Kết quả đã thống kê được tổng số 471 trích dẫn, h-index 7. Trên cơ sở thống kê số liệu trích dẫn Tạp chí đã xác định được chỉ số ảnh hưởng (IF) được tăng dần hàng năm IF2007 = 0,173 tăng lên IF2022 = 0,76; chỉ số trích dẫn (CiteScore) cũng tăng dần hàng năm CiteScore2007 = 0,3 tăng lên CiteScore2022 = 0,79. Thông qua số liệu trích dẫn của Google scholar cung cấp thông tin cho tác giả để theo dõi trích dẫn bài viết của mình, có thể kiểm tra các bài báo đang trích dẫn ấn phẩm của mình, đồ thị trích dẫn theo thời gian và tính số liệu trích dẫn.

Hình 1: Thống kê CSDL trích dẫn Google Scholar của Tạp chí Khí tượng Thủy văn

Năm 2019, Tạp chí lần đầu tiên gắn mã định danh quốc tế DOI cho tất cả các bài báo xuất bản. Trên thực tế, DOI là một dãy số xác định đường dẫn vĩnh cửu (permalink) cho một tập tin và nếu địa chỉ mạng của tập tin thay đổi, người truy cập bằng DOI vẫn được đổi hướng tự động đến địa chỉ mới. Đây được coi là bước đầu tiên trong quy trình lưu trữ và chuẩn hóa thông tin mang tính quốc tế của Tạp chí, hướng tới cung cấp cho độc giả một cơ sở dữ liệu chất lượng và vĩnh viễn.

Đặc biệt trong năm 2020, Tạp chí đã đăng ký gia nhập thành công vào 03 hệ thống trích dẫn quốc tế: Scilit (Thụy Sỹ), CiteFactor, và Publons (Mỹ) để các nhà nghiên cứu và độc giả có thể tiếp cận với các bài báo khoa học một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Trong đó, hệ thống Publons kết nối các hồ sơ các tác giả, liên kết dữ liệu ấn phẩm khoa học, các nhà xuất bản và ban biên tập. Chính việc này đã tạo nên nguồn tư liệu chuyên gia để thẩm định, phê bình bản thảo, cung cấp dữ liệu để có thống kê về năng suất khoa học của các nhà nghiên cứu. Publons Peer Review Awards 2018 đã vinh danh hơn 6000 chuyên gia đến từ 100 quốc gia và 2000 cơ quan khác nhau vì những đóng góp thầm lặng, miệt mài cho khoa học. Để có dữ liệu này, Publons đã kết nối với các cơ sở dữ liệu của Clarivate Web of Science và ScholarOne.

Năm 2021-2022, Tạp chí đã hoàn thành và cập nhật đăng tải các bài báo lên các hệ thống Crossref (chỉ số DOI), Scilit, CiteFactor, Publons. Bên cạnh việc đăng ký thành công gia nhập các hệ thống quốc tế. Tạp chí đã được chấp thuận và đăng ký mới trên hai hệ thống trích dẫn cơ sở dữ liệu lưu trữ trong nước là CitationGate (Hệ thống Tư liệu Khoa học Việt Nam) với chỉ số Vietnam Citation Gateway (V-CitationGate) là cơ sở dữ liệu thư mục (Bibliographic database), đồng thời là trung tâm phân tích, đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Scientometrics) của Việt Nam. V-CitationGate bao gồm thông tin (tóm tắt hoặc/và toàn văn) của các ấn phẩm khoa học đương đại (bài báo tạp chí, sách), các phát minh, sáng chế, và đặc biệt, bao gồm cả các tài liệu quý, cổ được sưu tập, số hóa, kết nối và tích hợp từ các nguồn lưu trữ ở Việt Nam và nước ngoài. Với một cơ sở dữ liệu thư mục phong phú và đầy đủ, V-CitationGate sẽ phát triển thành nơi phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu Việt Nam. Bên cạnh mục đích học thuật, V-CitationGate cung cấp các số liệu thống kê để xây dựng và công bố báo cáo thường niên, xếp hạng nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu và giáo dục. Đây là nguồn thông tin minh bạch về năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, sẽ được Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục và Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Quốc gia của Đại học Quốc gia Hà Nội tham khảo và sử dụng khi tiến hành đánh giá kiểm định các trường đại học. Bên cạnh đó, Tạp chí đã đăng ký và cập nhật dữ liệu xuất bản liên tục trên hệ thống (Vietnam Journals Online - VJOL) của Tạp chí khoa học Việt Nam Trực tuyến. VJOL là một cơ sở dữ liệu cho phép độc giả tiếp cận tri thức khoa học được xuất bản tại Việt Nam và nâng cao hiểu biết của thế giới về nền học thuật của Việt Nam. Website VJOL hiện do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý, duy trì và phát triển nhằm tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của các tạp chí khoa học Việt Nam đối với bạn đọc trong nước và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của các tạp chí khoa học thông qua nền tảng VJOL. Tạp chí được xác định là Tạp chí quốc gia có uy tín ngành Khoa học Trái đất và Môi trường trong Hội đồng Khoa học ngành lĩnh vực KHTN&KT của Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia lựa chọn, đề xuất.

Năm 2022 cũng là năm thứ 2 Tạp chí đã thống kê và xác định được chỉ số ảnh hưởng (IFtiếng Việt = 0,73; IFtiếng Anh = 0,375) và chỉ số trích dẫn (SciteScoretiếng Việt = 0,79; SciteScoretiếng Anh = 0,51) đánh dấu bước phát triển của Tạp chí và khẳng định sự phát triển của Tạp chí trong những năm vừa qua (Hình 1). Trong các số xuất bản định kỳ hàng tháng Hội đồng Ban biên tập đã rà soát, đánh giá và phân loại các bài báo khoa học trong đó đã thống kê được tỷ lệ các bài báo bị từ chối đăng tăng tỷ lệ lên 35,4%. Để nâng cao chất lượng và rà soát tỷ lệ trùng lặp trong các ấn phẩm xuất bản, Tạp chí đã đăng ký gia nhập và sử dụng hệ thống Turnitin, một phần mềm kiểm tra tỷ lệ đạo văn đang được rất nhiều trường đại học trên thế giới sử dụng nhằm nâng cao hơn chất lượng và tính minh bạch của các bài báo trước khi được chấp nhận đăng trên Tạp chí.

Hình 2: Hệ thống các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác trích dẫn các bài báo khoa học

Năm 2023, Tạp chí KTTV được xếp hạng đánh giá trong hơn 23000 Tạp chí khoa học trên toàn thế giới được lựa chọn trong hệ thống (Scientific Journal Impact Factor - SJIF). Đây là một nền tảng quốc tế, nhằm quảng bá các thành tựu khoa học, cũng như hỗ trợ các nhà xuất bản và cộng đồng khoa học quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu tiên tiến trong các lĩnh vực khoa học ứng dụng và đổi mới. Đặc biệt, Tạp chí Khí tượng Thủy văn là Tạp chí duy nhất của Việt Nam được xếp hạng với mức điểm đánh giá tăng dần theo năm (SJIF2019 = 5,744, SJIF2020 = 5,885, SJIF2021 = 6,311). Theo số liệu thống kê trên hệ thống năm 2021, Tạp chí KTTV có chỉ số đánh giá SJIF cao hơn so với Tạp chí Der Pharma Chemica, đây là Tạp chí Y khoa đã được xếp hạng trong hệ thống SCOPUS (Hình 3). Điều này một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế ngày càng nâng cao của Tạp chí KTTV trong các hệ thống trích dẫn và đánh giá quốc tế.

Hình 3: Xếp hạng của Tạp chí Khí tượng Thủy văn trong hệ thống SJIF

Thông qua quá trình phát triển được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, sự nỗ lực phấn đấu của Hội đồng Ban biên tập, Tạp chí đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá tính điểm cao trong một số Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành (Hội đồng Giáo sư ngành Thủy lợi tính điểm 0 - 1,0 điểm; Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ tính điểm 0 - 0,75 điểm; Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học tính điểm 0 - 0,5 điểm).

Tiếp nối những thành công trước đó, Tạp chí đã chủ động nâng số xuất bản định kỳ tiếng Anh lên 04 số/ năm (tháng 3, 6, 9, 12) và đẩy mạnh quy trình xuất bản online và chuẩn hóa lại hệ thống trang thông tin điện tử tiếng Việt và Tiếng Anh để tiếp tục đăng ký các hệ thống quốc tế khác như WoS, SCOPUS, ACI, DOAJ. Nhìn lại hành trình trong những năm qua, Tạp chí Khí tượng Thủy văn đã và đang nỗ lực không ngừng để ngày một hoàn thiện nội dung và hình thức của các ấn phẩm xuất bản, với mong muốn trở thành một Tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín không chỉ trong cộng đồng các nhà khoa học trong nước mà còn trên diễn đàn quốc tế.

Tin bài: Đoàn Quang Trí - Ngô Thanh Tâm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: