Nhìn 3 sào chè ở vùng đồng Tràm đang héo rũ, nhiều diện tích đã cháy khô, chị Phạm Thị Châu ở thôn Tân Tiến như "ngồi trên lửa". 3 sào chè này được gia đình chị trồng từ năm 2013 ở vùng tập trung mới được quy hoạch, trồng mới của xã.
Chị Châu cho biết: “Khô hạn kéo dài cộng với đợt nắng nóng có nhiệt độ thường xuyên trên 40 độ C khiến chúng tôi không có cách gì để chống hạn cho cây trồng. Mặc dù gần đây có suối Rào Trổ, nguồn nước khá dồi dào nhưng lại chưa có đường điện để đầu tư thiết bị bơm tưới. Chỉ thêm ít ngày nắng nữa, toàn bộ diện tích này có khả năng sẽ chết cháy. Biết bao công sức, vốn liếng đổ ra cho đồi chè này sắp đổ sông, đổ biển”.
Còn gia đình anh Lê Văn Ngọc ở thôn Phúc Môn, trước nguy cơ 14 sào chè mới trồng không chống đỡ nỗi nắng nóng, anh vừa mới đào hồ, lắp hệ thống bét tưới phun sương để chống hạn, bảo toàn diện tích.
Anh Ngọc cho biết, ngoài công sức mình tự bỏ ra để lắp đặt, gia đình phải đầu tư hơn 20 triệu để đào hồ, mua vật liệu, thiết bị. Với người nông dân, đây là khoản đầu tư không nhỏ, nhưng nếu chần chừ thì diện tích chè mới trồng của gia đình chắc chắn sẽ khô cháy dưới thời tiết khắc nghiệt như thế này.
Với một số hộ trồng chè đã lâu năm hơn như anh Trần Văn Hảo ở thôn Tiến Quang, thu nhập từ trồng chè giúp anh có tích lũy để đầu tư khoảng 15 triệu đồng cho hệ thống tưới, bao gồm máy bơm, đường ống dài 400m và các bét tưới di động…
Nhờ đó, dù mùa hè này, nắng nóng đến sớm và cường độ gay gắt hơn nhiều năm nhưng vườn chè 5 sào của gia đình anh vẫn xanh tươi, duy trì năng suất như bình thường và cho thu nhập đều đặn. Tuy nhiên, “số tiền đầu tư này với những hộ mới trồng là khá lớn, đồng thời chi phí tiền điện hàng tháng cũng không nhỏ. Vì vậy, nhiều hộ chưa có điều kiện để đầu tư”, anh Hảo cho biết.
Theo anh Nguyễn Hữu Phước - cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh phụ trách địa bàn Kỳ Thượng, toàn xã có khoảng 300 hộ trồng chè, trong đó, 1/3 số hộ trồng lâu năm, có điều kiện kinh tế khá hơn đã đầu tư được hệ thống bơm, tưới; 2/3 số hộ với khoảng 130 ha chè, chủ yếu là diện tích mới trồng trong vài năm lại nay đang trong tình trạng khô hạn, trong đó 5 ha có nguy cơ chết cháy.
Đối với những vùng chè thiếu nước được bà con tấp ủ, che nắng bằng nhiều cách để cầm cự với nắng nóng, ở thời điểm này cũng không thể cho thu hoạch chè lá như bình thường. Thậm chí, phải đến 3-4 tháng sau, khi đã qua mùa nắng nóng, số diện tích chè đã kiệt sức vì khô hạn này mới lấy lại được năng suất chè như thời điểm thời tiết thuận lợi.
Được biết, từ sau cơn bão số 10 năm 2017, chè được xác định là cây trồng chủ lực để thay thế dần diện tích keo, tràm dễ đổ, gãy vì gió bão, hiệu quả kinh tế không cao ở xã Kỳ Thượng. Từ đó, huyện, xã đã có nhiều chính sách để hỗ trợ khai hoang phục hóa, trồng mới, chuyển đổi diện tích từ cây lâm nghiệp sang chè. Nhờ đó, diện tích chè công nghiệp đã phát triển mạnh, cùng với áp dụng quy trình sản xuất VietGap, liên kết với doanh nghiệp nên sản phẩm có đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, từ ảnh hưởng của các đợt nắng nóng như thế này cho thấy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần tập trung hơn các chính sách hỗ trợ cũng như chỉ đạo, động viên người trồng chè đầu tư hệ thống tưới, đảm bảo nguồn nước để cây chè né tránh tổn thất do thiên tai, cho năng suất ổn định, nâng cao thu nhập của người dân.
Theo baohatinh.vn