Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, trong tháng 3-2021, mực nước tại các trạm thượng nguồn sông Mekong từ dưới Kratie biến đổi chậm. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Mực nước trên các sông, kênh trong tỉnh An Giang chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều với 3 đợt triều cường vào đầu, giữa và cuối tháng 3.
Mực nước cao nhất tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông xuất hiện trong những ngày đầu tháng 3-2021, ở mức cao hơn so cùng kỳ năm 2020 từ 0,05-0,2m; mực nước thấp nhất xuất hiện trong những ngày cuối tháng, ở mức cao hơn so cùng kỳ năm 2020 từ 0,1-0,25m. Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất tháng 3 tại các trạm xuất hiện trong những ngày đầu tháng, ở mức xấp xỉ và cao hơn so cùng kỳ năm 2020 từ 0,05-0,1m; mực nước thấp nhất xuất hiện trong những ngày cuối tháng, ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,05-0,2m.
Trước dự báo tình hình khô hạn, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành chuyên môn chủ động phương án ứng phó. Trong đó, tiếp tục theo dõi thực hiện Đề án khai thác đa mục tiêu các hồ chứa nước trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; thực hiện công trình duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2021. Triển khai đề án nâng cao mực nước, tăng cường khả năng trữ nước trong mùa khô hạn phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế sạt lở, hạn chế nạo vét thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó, xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường nạo vét kênh, mương, gia cố các công trình thủy lợi, chủ động bơm nước, trữ nước khi thủy triều lên là những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất mùa khô, hạn.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn