Thông tin trên vừa được nêu ra trong chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh về việc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Từ giữa tháng 9 đến tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các huyện miền núi.
Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên xã, liên thôn bị sạt lở, hư hỏng gây chia cắt; các công trình trường học, bệnh viện, trạm y tế bị hư hỏng nặng; hàng trăm kilômet kè, kênh mương, công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở, gây khó khăn cho công tác khắc phục, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn. Thiên tai khốc liệt, dồn dập gây thiệt hại rất nặng nề, ước tính thiệt hại về kinh tế trên địa bàn tỉnh gần 11.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đợt bão, lũ vừa qua cho thấy công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần được đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể, kịp thời khắc phục để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân và tài sản của xã hội.
Nhằm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, duy trì phát triển kinh tế sau thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Người đứng đầu tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương cần chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi…
Từ tháng 9 đến 11/2020, địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 4 vụ sạt lở núi tại 2 xã Trà Vân, Trà Leng (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) khiến 43 người chết và mất tích.
Đến thời điểm hiện tại, 17 nạn nhân vẫn còn mất tích.
Theo vtc.vn