Mùa mưa lũ ở miền Bắc sẽ tập trung trong khoảng từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10; còn ở miền Trung, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài sang tháng 12/2021, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ với lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.
Để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng như đã xảy ra tại khu vực miền Trung nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 31/8, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ".
Để bảo đảm an toàn cho sản xuất, Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng đã xây dựng các phương án an toàn trong mùa mưa bão cũng như duy trì sản xuất.
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn do Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vũ Anh Tuấn và Đoàn công tác của tập đoàn đã kiểm tra sản xuất, công tác quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống mưa bão tại một số doanh nghiệp sản xuất than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Công ty CP Than Mông Dương, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, xây dựng phương án bảo vệ riêng đối với khu vực khai thác lộ vỉa Cánh Tây mỏ than Mông Dương, bố trí các lực lượng trực gác 24/24 giờ tại các vị trí. Đồng thời, phối hợp với công an các phường trên địa bàn trong công tác bảo vệ tài nguyên, tài sản, bảo vệ ranh giới mỏ, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự trong sản xuất.
Tại công ty CP Than Cọc Sáu, công ty cũng đã thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật phân tầng đổ thải, xây dựng các đê đập chắn chân bãi thãi, hệ thống thoát nước…
Ông Lê Trung Toán, Phó Giám đốc Công ty Than Hòn Gai cho biết: Với phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của công ty, ngay từ cuối năm 2020, Đảng ủy, lãnh đạo công ty đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh công tác phòng chống mưa bão trong năm 2021, kiện toàn lại Ban chỉ đạo từ công ty đến các công trường, phân xưởng. Đến giữa tháng 4/2021, công ty đã hoàn thành xong 100% khối lượng công việc phòng chống lụt bão. Dự kiến, năm nay, công ty sẽ dành hơn 19 tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, trong đó ưu tiên việc củng cố các hệ thống thoát nước mặt bằng, trong lò, các kho than, nhất là khai trường khai thác lộ thiên và bãi thải.
Theo Phó trưởng Ban Môi trường TKV Đỗ Thiện Bằng: Qua kiểm tra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 29 tuyến suối thoát nước bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác mỏ, trong đó có 12 tuyến bảo đảm thông thoát, 17 tuyến còn lại cần phải nạo vét. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nạo vét xong các tuyến suối này ngay trong tháng 4/2021.
Năm 2021, do không còn nguồn vốn tập trung cho thực hiện công tác môi trường và phòng chống thiên tai đối với các công trình chung, từ cuối năm 2020, TKV đã giao cho các đơn vị thành viên tự chủ việc phòng, chống thiên tai ở những khu vực sát hoạt động sản xuất của đơn vị. Tập đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các đơn vị thực hiện với 15 vị trí trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở vùng Hòn Gai, Cẩm Phả.
Trong tháng 7/2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của mưa lớn, xong nhờ chủ động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống mưa bão, TKV đã sản xuất được 3,01 triệu tấn than nguyên khai, nâng tổng sản lượng than nguyên khai khai thác trong 7 tháng của năm 2021 lên 23,58 triệu tấn (đạt 61% kế hoạch năm); tiêu thụ 26,83 triệu tấn than (bằng 64% kế hoạch năm).
Năm 2021, Vinacomin đặt kế hoạch tổng doanh thu toàn Tập đoàn 123.880 tỷ đồng, lợi nhuận 3.000 tỷ đồng, than tiêu thụ 42 triệu tấn, than nguyên khai sản xuất 38,5 triệu tấn, đất đá bóc 167,26 triệu m3, mét lò đào tổng số 259,93 km…
Theo Báo Chính phủ