Tình trạng sạt lở bờ sông Chu có những diễn biến hết sức phức tạp.
Nỗi lo mất đất, mất nhà...
“Mục sở thị” tình trạng sạt lở bờ hữu sông Chu đoạn qua địa bàn các thôn Hải Thành, Hải Mậu, xã Thọ Hải mới thấy nỗi lo của bà con Nhân dân nơi đây là hết sức cấp thiết. Qua quan sát, chúng tôi thấy, tình trạng sạt lở đang diễn ra một cách nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại nhiều vị trí, tình trạng sạt lở ăn lồng vào thân ta luy, tạo thành những “hàm ếch” sâu, có thể kéo sạt phần diện tích đất nông nghiệp phía trên đang trồng hoa màu xuống bất cứ lúc nào.
Ông Lê Quang Đạo (thôn Hải Mậu) lo lắng nếu tình trạng này tiếp diễn thì không bao lâu nữa cụm dân cư với hơn 40 hộ dân trong thôn sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng. Còn theo ông Đỗ Bá Cường (72 tuổi, thôn Hải Thành) thì cần sớm có dự án kè sông, bởi dự án không chỉ giữ đất nông nghiệp mà còn giữ nhà, giữ tính mạng cho người dân. Cũng theo ông Cường, tình trạng sạt lở bắt đầu diễn biến phức tạp từ đợt mưa lũ năm 2017. Đến nay do tính chất dòng chảy thay đổi, điểm sạt lở chỉ còn cách khu dân cư chừng hơn 50m. “Mùa này nước sông cạn, bớt lo. Bước sang mùa mưa bão tới thì không biết lại có bao nhiêu nghìn mét vuông đất nông nghiệp của bà con Nhân dân bị hà bá nuốt chửng?!” - ông Cương lo lắng.
Theo ông Cường, nhà ông có 3 sào đất bãi nay chỉ còn 1,5 sào. Hiện, trên diện tích đất canh tác trồng ngô, rau màu của gia đình đang xuất hiện hàng loạt những vết nứt, những hố sụt sâu cả mét, khó có thể giữ đất trong mùa mưa bão tới.
Cấp thiết một dự án kè chống sạt lở!
Ông Vũ Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hải khẳng định: Theo rà soát, đánh giá của địa phương, tình trạng sạt lở bờ hữu sông Chu đoạn qua địa bàn các thôn Hải Mậu, Hải Thành có tổng chiều dài là 1,6km. Trong đó, có khoảng 500m là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân các thôn Hải Mậu, Hải Thành. Hiện, cung sạt lở vẫn đang tiếp tục mở rộng và có diễn biến bất thường. Trước tình trạng sạt lở trên, UBND xã đã tiến hành cắm các biển cảnh báo, thông tin đến bà con sản xuất, canh tác cần đảm bảo an toàn, không gieo trồng, canh tác sát với khu vực có nguy cơ sạt lở.
Trước tình trạng trên, UBND xã đã nhiều lần báo cáo lên UBND huyện cũng như có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Gần đây nhất, khoảng đầu tháng 9/2023, UBND xã cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện về tình trạng sạt lở tại các thôn Hải Mậu, Hải Thành, với 2 vị trí sạt lở, chiều dài mỗi đoạn từ 40 - 50m; chiều cao 4m. Để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản Nhân dân trong khu vực, UBND xã đã phối hợp với Hạt quản lý đê điều Thọ Xuân thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở để có phương án xử lý kịp thời.
Được biết, ngày 21/10/2022, UBND huyện Thọ Xuân đã có Báo cáo số 563/BC-UBND gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình cấp bách, kè chống sạt lở bãi sông bảo vệ khu dân cư xã Thọ Hải. Theo đó, đoạn bãi sông đang bị sạt lở có chiều dài 1.100m ứng với tuyến đê cấp II, đê hữu sông Chu đoạn từ K9+500 - K10+500 xã Thọ Hải, đoạn giáp ranh khu dân cư thôn Hải Mậu có chiều dài khoảng 120m, khoảng cách từ điểm sạt lở đến khu dân cư từ 70 - 100m. Chiều sâu sạt lở từ 4 - 7m. Trên bãi có 2 đoạn bị xói lở, chiều dài mỗi đoạn khoảng 100 - 120m, rộng 5 - 20m, sâu 2,5 - 4m. Nếu đoạn sạt lở không sớm được khắc phục kịp thời khi có mưa lớn xảy ra sẽ tiếp tục gây sạt lở, nguy cơ chia cắt 43 hộ dân thôn Hải Mậu.
Trong điều kiện ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn, UBND huyện Thọ Xuân báo cáo và đề nghị Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xem xét, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cấp bách công trình kè chống sạt lở bãi, bảo vệ khu dân cư, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại Văn bản số 5727/SNN&PTNT-KHTC ngày 22/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Sở Tài chính, tham gia ý kiến về việc xử lý khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Quan Hóa và Quan Sơn. Văn bản nêu rõ, căn cứ vào hiện trạng thực tế tại khu vực đề xuất dự án và đánh giá của Chi cục Thủy lợi, vị trí sạt lở còn nằm cách xa khu dân cư và đê hữu sông Chu. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thống nhất với đề xuất của UBND huyện Thọ Xuân. Đề nghị UBND huyện Thọ Xuân tiếp tục theo dõi xu hướng dòng chảy và mức độ diễn biến sạt lở để nghiên cứu có giải pháp hợp lý, hiệu quả.
Bài và ảnh: Đình Giang