Sóng to, giông lốc làm hư hại tàu thuyền, lồng bè của ngư dân tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: TTXVN phát
Lúc 9 giờ 15 phút ngày 31/3, tàu hàng Đức An đang hoạt động đã bị nước vào mũi tàu làm tàu chìm. Lực lượng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ đưa tàu vào khu vực Hải Minh an toàn. Tàu không có thiệt hại về người.
Sáng 31/3, dông lốc bất ngờ gây sóng lớn đánh chìm và hư hại nhiều tàu, thuyền của ngư dân. Bà Nguyễn Thị Xinh, xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) mới đóng xong một chiếc thuyền hơn 100 triệu đồng, neo đậu cách bờ 70m đã bị gió lốc và sóng đánh chìm. Theo người dân xã Nhơn Lý, dông lốc vào thời điểm cuối tháng Ba là hiện tượng thiên tai bất ngờ, người dân chưa từng gặp nên không có sự chuẩn bị tốt để phòng, tránh.
Sóng to, gió lớn tại khu vực biển thôn Lý Chánh, Lý Hòa, xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) đã làm đứt dây neo, chìm, gây thiệt hại 55 phương tiện khai thác hải sản của 53 hộ. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,2 tỉ đồng. Tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) cũng có 2 phương tiện khai thác thủy sản (1 xuồng, 1 thúng) và 1 bè du lịch bị thiệt hại.
Sóng to, giông lốc làm hư hại tàu thuyền, lồng bè của ngư dân, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,2 tỉ đồng. Ảnh: TTXVN phát
Mưa to đã gây ngập úng khoảng 536 ha lúa đang giai đoạn chín và thu hoạch tại thành phố Quy Nhơn. Tại huyện Phù Mỹ, diện tích lúa Đông Xuân bị ngập, đổ ngã khoảng 1.200 ha; diện tích lúa Hè Thu sạ bị ngập khoảng 220 ha. Tại huyện An Lão có 1 ha lúa Đông Xuân đang giai đoạn chín bị ngập nước.
Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) cho biết hiện tượng thiên tai đang diễn ra người dân Nhơn Lý chưa từng gặp phải. Gió lớn, dông lốc bất ngờ trong khoảng thời gian ngắn đã làm chìm và va đập hàng loạt tàu thuyền vào bờ kè gây hư hại nặng cho ngư dân. Xã đang phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh thống kê thiệt hại và rà soát những ngư dân nào khó khăn để hỗ trợ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, hộ dân có tàu thuyền bị chìm, đập vỡ đều là những gia đình rất khó khăn. Trước mắt, UBND thành phố Quy Nhơn đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đối với mỗi hộ có ghe thuyền chìm, hư hỏng. UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng UBND thành phố Quy Nhơn lên phương án trục vớt tàu thuyền bị chìm đắm; trích ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi hộ có tàu thuyền dưới 20CV bị chìm, thiệt hại 5 triệu đồng; 15 triệu đồng đối với mỗi ghe, thuyền từ 20CV-50CV và khẩn trương tìm giải pháp và nguồn hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.
Sóng to, giông lốc làm hư hại tàu thuyền, lồng bè của ngư dân tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: TTXVN phát
Từ chiều 31/3, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã kiểm tra và chỉ đạo các giải pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương cần rà soát nhanh và thống kê đầy đủ các trường hợp bị thiệt hại để nhanh chóng có chính sách hỗ trợ an sinh kịp thời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê toàn bộ thiệt hại đợt lốc xoáy và đề xuất UBND tỉnh xét để cơ cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân. Đối với xã Nhơn Lý hỗ trợ ngay gạo, lương thực thực phẩm cho người dân, bảo đảm đời sống ho bà con cho đến khi hoạt động khai thác hải sản trở lại bình thường.
Phạm Kha (TTXVN)