Ngày 9/9, tin từ UBND tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Cà Mau có mưa lớn kèm theo giông lốc, sét, lốc xoáy kết hợp với triều cường dâng cao, gây thiệt hại lớn đến tài sản và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân.
Đáng chú ý nhất là vào ngày 3/8, sóng to kết hợp mưa, giông lốc và triều cường dâng cao làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây, gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm cho tuyến đê biển Tây với chiều dài 2.100m và sạt lở nguy hiểm với chiều dài 5.447m.
Những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê biển Tây bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Cà Mau đã phải tiến hành triển khai các biện pháp hộ đê khẩn cấp để bảo vệ tuyến đê.
Qua kiểm tra, ngày 6/8, trên tuyến bờ biển Đông đã phát hiện tuyến kè thuộc dự án xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển Đông, khu vực cửa biển Rạch Gốc xuất hiện tình trạng lún cục bộ ở một vài đoạn.
Chiều dài hư hỏng khoảng 250-300m, nguyên nhân do thủy triều dâng cao kết hợp với gió mạnh, cùng các đợt sóng lớn liên tiếp đánh vào thân kè gây hư hỏng.
Kết quả rà soát, cập nhật tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra từ ngày 2-12/8 trên địa bàn tỉnh như sau: Mưa lớn kèm giông lốc, triều cường, sóng to, gió lớn trên biển đã làm 1 người chết (do sập nhà), 2 người bị thương (do sét đánh); chìm 8 phương tiện; sập 195 căn nhà và 1 trường học; ngập gần 2.400 căn nhà; thiệt hại hơn 143ha nuôi thủy sản;…
Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản là hơn 51,4 tỷ đồng.
Từ đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh hơn 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác hỗ trợ về dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để thực hiện khẩn cấp các tuyến kè bảo vệ đê và sản xuất của người dân.
Theo nguoiduatin.vn