Các địa phương chủ động phương án phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 10-05-2021 | Lượt xem: 1323
Chiều 9-5, mưa to kèm gió lớn xuất hiện tại nhiều địa phương ở huyện Thanh Chương, Nam Ðàn (Nghệ An) gây thiệt hại nặng về tài sản cho nhân dân. Mưa dông khiến nhiều nhà bị tốc mái, nhiều diện tích lúa bị đổ. Ngành chức năng đang thống kê thiệt hại, người dân cũng khẩn trương khắc phục hậu quả.
Nông dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thu hoạch lúa vụ đông xuân. Ảnh: THỤC QUYÊN

* Nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ dân ở vùng xung yếu, năm nay tỉnh Tuyên Quang sẽ di dời 48 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy chưa có nguồn vốn phân bổ của Trung ương, nhưng tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ứng trước vốn dự phòng để hỗ trợ các hộ di dân.

* Trong mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Hải Dương xác định 24 trọng điểm xung yếu cần được bảo vệ, giảm hai trọng điểm so với năm trước. Ðơn vị đã yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bảo vệ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thái Nguyên, tỉnh sẽ di dời 17 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở nguy hiểm tại hai xóm Chiểm và Tân Tiến, xã Quân Chu, huyện Ðại Từ đến nơi tái định cư mới. Trên diện tích hơn 1 ha với hạ tầng đồng bộ, mỗi hộ dân sẽ được cấp từ 300 đến 400 m2, hỗ trợ di dời 20 triệu đồng/hộ, riêng hộ nghèo hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ.

* Theo dự báo, tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 25 nghìn ha cây trồng vụ đông xuân 2020 - 2021 thiếu nước tưới. Diện tích lúa có thể thiếu nước, xảy ra hạn từ 17 đến 23 nghìn ha. Tỉnh yêu cầu các địa phương có kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn cho các loại cây trồng nêu trên.

* Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 360 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, rừng tự nhiên gần 218 nghìn ha, rừng trồng gần 96 nghìn ha, đất chưa có rừng 46 nghìn ha. Mùa nắng nóng đã đến, chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, phối hợp thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả nhất.

* Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được hơn 25.650 ha lúa. Hiện, nhiều địa phương đã triển khai thu hoạch lúa, năng suất trung bình dự kiến đạt hơn 60 tạ/ha.

* Mô hình trồng giống lúa ST24 và ST25 tại hợp tác xã Mỹ Lộc Thượng, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) có diện tích 1,2 ha với 12 hộ tham gia có kết quả tốt. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, hai giống lúa này sinh trưởng, phát triển tốt; chống chịu với sâu bệnh và thời tiết bất thường tốt hơn nhiều giống lúa khác; phù hợp đất đai, khí hậu ở địa phương. Năng suất bình quân đạt 61 tạ/ha đối với giống lúa ST24 và 64 tạ/ha đối với giống lúa ST25.

* Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế, vụ xuân năm nay là mùa vụ "thắng lớn" nhất trong nhiều năm trở lại đây của địa phương, với năng suất đạt khoảng 64,4 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân 2019 - 2020 gần 5 tạ/ha.

* Hiện nay, lúa của người dân huyện Châu Thành (An Giang) đang trong thời gian cần bón phân nhiều thì giá phân bón tăng cao. Cụ thể, như phân DAP, Urê tăng 30% so với trước đó; các loại phân bón khác, giá cũng tăng từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg.

* Theo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, giá thành sản xuất lúa đông xuân của tỉnh là 3.551,9 đồng/kg. Thế nhưng chi phí đầu tư vật chất vào sản xuất chiếm tỷ lệ rất cao (66,39%) trong tổng chi phí. Trong đó, chi phí phân bón 23,46%, thuốc bảo vệ thực vật 16,08% chiếm tỷ lệ cao nhất so các khoản đầu tư vật chất khác.

* Hiện, giá các loại phân bón tại TP Cần Thơ tăng bình quân từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/bao so vụ lúa trước. Theo người dân địa phương, chưa bao giờ giá phân bón lại tăng bất thường như năm nay; nhất là các loại phân NPK, DAP, Urê, Kali.

* Tính đến ngày 9-5, toàn tỉnh Thanh Hóa có 722 con trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục (VDNC), buộc phải tiêu hủy. Tỉnh đã huy động hơn 60.725 lít hóa chất tiêu độc khử trùng, 130,5 tấn vôi bột, 4.980 lít thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… cho các địa phương chống dịch.

* Từ tháng 3 đến nay, Quảng Nam có 266 con bò mắc bệnh VDNC; trong đó có 19 con chết buộc phải tiêu hủy. Ngành chăn nuôi tỉnh đã tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không mua trâu, bò không rõ nguồn gốc.

* Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế có bốn huyện có gia súc bị bệnh VDNC. Ngành nông nghiệp địa phương đã tiêm 9.855 liều vắc-xin để phòng dịch VDNC cho trâu, bò.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ hôm nay (10-5) đến ngày 12-5, các tỉnh, thành phố Bắc Bộ có chỉ số tia cực tím cực đại ở mức nguy cơ gây hại cao (10-5), sau tăng lên nguy cơ gây hại rất cao (ngày 11, 12-5). Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố từ Trung Bộ trở vào Nam Bộ, chỉ số này duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao trong cả ba ngày. Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 6 - 7 là mức cao, từ 8 - 10 là mức rất cao, hơn 10.5 là mức đặc biệt cao, còn từ 11 trở lên là mức cực kỳ cao, rất nguy hiểm.

Theo Báo Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: