Vấn đề bảo vệ bờ biển Đà Nẵng đã từng được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay thành phố này vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Các chuyên gia khuyến cáo, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần sớm có giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng nếu không muốn rơi vào tình trạng mất bãi biển, khó cứu vãn như biển Cửa Đại, Hội An hiện nay.
Sạt lở làm sập nhiều đoạn đường gần biển.
Những ngày đầu năm 2021, các đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, triều cường liên tục đánh mạnh, bờ biển Đà Nẵng bị sạt lở nặng. Tại bãi biển Mỹ Khê, sóng biển ăn sâu vào tận kè bê tông, tạo ra các lỗ hổng sâu hoắm. Sống với nghề biển hàng chục năm nay, ông Huỳnh Văn Nhật, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho rằng, chưa bao giờ bờ biển bị xâm thực, sạt lở nặng kéo dài như năm nay.
“Mấy năm trước cũng bị, sóng còn ở ngoài kia, xa lắm, cách cả mấy trăm mét lận, giờ nước vào tới đây rồi. Nếu không có biện pháp thì bờ kè này sẽ sập mà sập là đường này bay luôn”, ông Nhật nói.
Dọc bờ biển Đà Nẵng hiện có 6 khu vực bị triều cường xâm thực, xói lở nghiêm trọng. Hiện tượng này đã từng xuất hiện trong các năm 2017, 2018. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, thông thường, mỗi năm có 2 mùa hải văn.
Vào mùa Đông, gió Đông Bắc chạy từ ngoài Bắc vào kèm theo triều cường mạnh gây xói lở bờ biển, cuốn lượng cát trôi đi, bãi biển thu hẹp dần. Và mùa Hè, gió Đông Nam thổi ngược trở lại mang cát trả lại bờ. Nếu lượng cát bị cuốn đi vào mùa đông và trả lại vào mùa hè được cân bằng thì bãi biển trở lại như trước.
Hàng dừa cạnh bờ biển cũng bị xói lở tới tận gốc.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, thực tế năm những 2013, 2017, 2018 đã xuất hiện tình trạng xói lở bờ biển Đà Nẵng rất mạnh. Năm nay, bãi biển Đà Nẵng bị xói lở nặng hơn. Ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị thành phố sớm quy hoạch hành lang bảo vệ đới bờ, cần mở rộng dãy hành lang bảo vệ bờ biển, tức là có những vùng nghiêm cấm xây dựng.
“Tôi đề nghị nên tiến hành qui hoạch hành lang bảo vệ đới bờ. Ngoài qui định của Chính phủ, tôi đề nghị cho phép mở rộng hành lang bảo vệ. Tức là có những vùng nghiêm cấm xây dựng, không nên xây dựng ra sát bờ biển quá. Những vùng cần thiết phải xây dựng để bảo vệ thì công trình đó phải bảo vệ cơ sở hạ tầng bên trong”, ông Thắng cho hay.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, xói lở bờ biển tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, gió mùa Đông Bắc. Đến mùa khô, khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm thì bãi biển được bồi trở lại.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần đánh giá một cách tổng quan trên cơ sở các luận cứ về mặt khoa học, đặc biệt chú trọng về các yếu tố về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
“Chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố xin chủ trương thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Đây là một dự án không hề nhỏ. Chúng ta đây chỉ là những cái vịnh thôi. Mức độ dao động của sóng trong vùng vịnh ít hơn nhiều so với biển Cửa Đại của Hội An”, ông Chương cho biết.
Sạt lở tạo những lỗ sâu hoắm tại các bờ kè biển Đà Nẵng.
Lấy bài học từ thực tế sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Khoa Xây dựng thủy lợi Thủy điện Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khuyến cáo, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần sớm có giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng trước khi quá muộn. Hội An từng là bãi tắm rất đẹp. Thế nhưng 10 năm trở lại đây, bãi tắm này ngày một thu hẹp dần và đứng trước nguy cơ biến mất do triều cường xâm thực.
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tìm mọi cách, áp dụng rất nhiều giải pháp làm kè cứng, kè mềm, kè ngầm cản sóng, tốn rất nhiều tiền nhưng chưa thể cứu được bờ biển. Đến nay, bờ biển Hội An tiếp tục bị sạt lở nặng và kéo dài đến tận bãi biển An Bàng.
Theo GS-TS Nguyễn Thế Hùng, bờ biển Hội An và Đà Nẵng bị xói lở ngày càng nghiêm trọng, ngoài các yếu tố về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan còn có nguyên nhân do con người gây ra hiện tượng mất cân bằng bùn cát. Thông thường lũ lụt mang theo phù sa, cát từ thượng nguồn về đổ ra các cửa biển, bồi đắp cho bãi biển.
Thế nhưng, việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi đầu nguồn đã vô tình ngăn hết lượng cát, phù sa giữ lại tại hồ, đập. Rồi nạn khai thác cát trên các sông khiến lượng cát ít dần không có cát mang ra biển để bồi đắp. Bây giờ, chúng ta hướng ra biển, phát triển kinh tế biển, xây dựng các công trình lấn biển đã ngăn cản dòng chảy cục bộ, vô tình tạo ra những dòng xoáy gây sạt lở mạnh. Theo GS-TS Nguyễn Thế Hùng, thành phố Đà Nẵng cần sớm có giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng.
“Bây giờ, giải pháp là tuyệt đối nghiêm cấm xây dựng các công trình cứng lấn biển, làm như vậy sẽ tai họa, sẽ gây ra xói lở. Nhà nước phối hợp với địa phương phải có nghiên cứu tổng thể bờ biển từ trong Hội An ra đến biển Đà Nẵng, những thiết kế đó phải có đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học”, GS-TS Nguyễn Thế Hùng khẳng định./.
Theo vov.vn