Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa Hè, có những thời điểm, mức nhiệt cao lên tới trên 40 độ C.
Đáng chú ý, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, thời gian tới (trong điều kiện El Nino), nhiệt độ trung bình các tháng tới sẽ có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng gay gắt và khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ.
Vì thế, việc triển khai “giảm nhiệt đô thị bằng giải pháp làm mát bền vững” là yêu cầu cấp thiết, nhất là đối với các đô thị lớn với mật độ giao thông cao.
Sẽ xuất hiện hiện tượng El Nino
Chiều 18/5, thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhấn mạnh El Nino (pha nóng trong hiện tượng ENSO) có thể sẽ xuất hiện vào nửa cuối mùa Hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.
Thông thường El Nino kéo dài trong khoảng thời gian 8-12 tháng, hoặc lâu hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện 3-4 năm/lần, có khi dày hơn. Với xu thế trên, thời gian tới, nắng nóng sẽ xuất hiện gay gắt hơn và không ngoại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao.
Khi nắng nóng thường có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ dự báo thời tiết và mức nhiệt người dân đo được. Đơn cử như tại Hà Nội, có những thời điểm nắng nóng, nhiệt độ mà các trạm khí tượng đo là 40 độ C, nhưng mức nhiệt người dân đo ngoài trời lại lên tới trên 50 độ C.
Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia (do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2022) cũng đưa ra cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nhiệt độ trung bình của Việt Nam lên tới 4 độ C ở miền Bắc và 3,5 độ C tại miền Nam vào năm 2100. Mức nhiệt tăng cùng với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (UHIE) sẽ khiến cho các thành phố của Việt Nam nằm trong những khu vực đô thị có nguy cơ phải hứng chịu các đợt nắng nóng cực đoan cao nhất trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra các biểu hiện của biến đổi khí hậu như gia tăng nhiệt độ và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục diễn ra nhanh hơn, tần suất nhiều hơn.
Việc nhiệt độ không khí tăng cao sẽ khiến các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài, làm gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Tuy nhiên, việc làm mát không đảm bảo các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị cũng sẽ làm gia tăng phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu.
Người dân Hà Nội chật vật dưới thời tiết nắng nóng gay gắt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cùng với đó, quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị làm mát - nếu không được thực hiện đúng quy định cũng có thể gây ra việc rò rỉ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường. “Các chất này khi phát thải trực tiếp vào khí quyển sẽ góp phần phá hủy tầng ozone và làm gia tăng nhiệt độ Trái Đất,” ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.
Triển khai các giải pháp làm mát bền vững
Trước thực tế trên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh hiện nay, nhu cầu về giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị trở nên cấp bách trên toàn cầu và tại Việt Nam. Nếu làm mát hiệu quả, bền vững tại các đô thị, có thể giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Quang cũng lưu ý hiện các yêu cầu về làm mát bền vững đã được đề cập trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (năm 2022).
Chiến lược trên đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp mà Việt Nam cần phải triển khai, thực hiện như: Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng; tập trung phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.
Cùng với đó là các nhiệm vụ về dự báo và cảnh báo sớm, tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu; thực hiện kiểm kê khí nhà kính; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm; nghiên cứu xây dựng bổ sung, cập nhật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế các công trình; đặc biệt là chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng xanh như: phát triển hành lang xanh, công viên, phủ xanh các con đường...
Để thúc đẩy các giải pháp làm mát thân thiện với khí hậu, chống nắng nóng cực đoan, ông Quang cho biết Chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam” sẽ hỗ trợ 3 thành phố thí điểm là Cần Thơ; Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhằm đánh giá và đề xuất giải pháp về làm mát bền vững tại khu vực để lồng ghép trong các chính sách của thành phố.
Chương trình trên do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu triển khai, nhằm giúp các đô thị thích ứng với tình trạng nhiệt độ tăng cao và đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các biện pháp làm mát trong các chính sách quốc gia, tỉnh/thành phố, ông Jason Lee - Phó Giám đốc khu vực châu Á kiêm Trưởng đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam, cho rằng chương trình sẽ giúp Việt Nam triển khai các giải pháp và theo đuổi mục tiêu giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Với tầm quan trọng đó, ông Jason Lee cho biết Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ các thành phố này xây dựng kế hoạch hành động (UCAP) với các giải pháp cụ thể; cũng như tài trợ cho các dự án thí điểm và huy động ngân sách ổn định của thành phố để giải quyết các thách thức về nhiệt độ cực cao, thúc đẩy làm mát đô thị một cách hiệu quả./.
Hùng Võ (Vietnam+)