Chủ động phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ

Đăng ngày: 15-09-2021 | Lượt xem: 1723
Toàn tỉnh đang bước vào cao điểm của mùa mưa lũ năm 2021. Trong thời gian gần đây, một số địa phương đã xảy ra mưa dông lớn gây ngập lụt nhiều nơi làm thiệt hại nhiều tài sản, cây trồng, hoa màu của người dân.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cứu hộ các phương tiện giao thông mắc kẹt do ngập lụt trên quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa) sau cơn mưa lớn ngày 26-8. Ảnh: CTV

Để ứng phó với những sự cố thiên tai trong thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã ráo riết lên phương án phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ.

Nhiều thiệt hại do thiên tai

Theo UBND tỉnh, trên toàn tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 7 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc, khiến 50 căn nhà bị tốc mái; hơn 1,2 ngàn hộ dân bị ngập lụt; 4,1ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 10,3 tấn cá thoát ra ngoài; ảnh hưởng đến hơn 30ha cây ăn trái, cây lâu năm. Đáng chú ý, các trận mưa lớn gần đây đã gây ngập lụt cục bộ một số tuyến đường giao thông tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.

Gần nhất, trong cơn mưa chiều tối 25-8 đã gây ngập lụt nhiều nơi tại TP.Biên Hòa. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Công an tỉnh và Công an TP.Biên Hòa tổ chức cứu 2 người dân bị mắc kẹt tại P.Phước Tân và hàng chục xe máy, xe ô tô bị chết máy, mắc kẹt trên quốc lộ 51 (P.Long Bình Tân). Hay vào tối 22-8, mưa lớn kèm gió (có cả mưa đá) làm đổ nhiều cây xanh tại Công viên 30-4 (P.Tân Biên) gây mất điện hơn 37 ngàn hộ dân tại P.Tân Biên và các phường lân cận. Điện lực Biên Hòa 2 đã phải cử lực lượng khắc phục sự cố điện ngay trong đêm.

Trước đó, vào chiều 12-4, tại xã Phú Hòa (H.Định Quán) xuất hiện cơn mưa kèm dông lốc làm 32 căn nhà bị tốc mái, 2ha lúa và 30ha cây ăn trái bị bật gốc, ngã đổ.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho hay, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 3-4 cơn bão trên biển Đông có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tại Đồng Nai, các cơn bão này có thể gây ảnh hưởng đến thời tiết, kéo theo các nguy cơ có thể xuất hiện ngập ở đô thị, sạt lở tại các hồ, sông, suối… gây nguy hiểm cho người dân, cây trồng, vật nuôi.

* Chủ động ứng phó

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa năm 2021, các địa phương đã có kế hoạch rà soát, kiểm tra những vị trí thường xuyên bị sạt lở, ngập nước, kịp thời cảnh báo người dân. Riêng các địa phương có các hồ, suối, đập thủy lợi, bến thủy nội địa, làng bè cũng xây dựng các phương án di dời những hộ dân ven bờ đề phòng nước dâng bất thường trong mùa mưa lũ.

Riêng các khu vực đô thị, đông dân cư như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Kinh tế hạ tầng đã kiểm tra, rà soát cây xanh đô thị, công viên; thường xuyên cắt tỉa cây xanh hạn chế xảy ra gãy đổ. Với vùng nông thôn, nơi có nhiều vườn rẫy, dân cư thưa thớt, chính quyền các địa phương đã nhắc nhở người dân sớm kiểm tra, gia cố lại mái nhà, chủ động tự cắt tỉa các cành cây nằm gần nhà, ven đường. Đặc biệt, tại những địa phương đang cách ly y tế, chính quyền các cấp cũng chuẩn bị sẵn vị trí có thể sơ tán người dân đến nơi an toàn nếu có sự cố do thiên tai gây ra.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Long Khánh, ngay đầu tháng 9-2021, UBND thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và UBND các phường, xã rà soát các khu vực thường xuyên ngập sâu, nước chảy xiết như: khu vực suối Cải (P.Bảo Vinh), KP.Dưỡng Đường (P.Suối Tre)… Bên cạnh đó là nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, mực nước tại các khu vực hồ, suối để sớm cảnh báo người dân, tổ chức cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hạn chế xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cũng đã có các kế hoạch, phương án triển khai cứu nạn, khắc phục sự cố về điện do thiên tai gây ra. Cụ thể, vào ngày 29-6, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, các phương án xử lý sự cố đảm bảo vận hành lưới điện mùa mưa tại H.Định Quán; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng công an các địa phương thường xuyên huấn luyện cứu nạn, cứu hộ bằng các tình huống sự cố giả định để sẵn sàng tham gia cứu hộ khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho hay, hiện nay, ngoài việc tăng cường phòng, chống dịch, đơn vị vẫn tiếp tục duy trì lực lượng trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo người dân các nguy cơ có thể gặp phải do sét đánh, nước cuốn khi ở ngoài trời hoặc đang đi đường lúc có mưa to, gió lớn, sấm sét.

Ngày 9-9, UBND tỉnh đã có văn bản 10890/UBND-KTN về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương chú ý xây dựng phương án đảm bảo an toàn cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai. Đồng thời, phối hợp với ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp xây dựng phương án ứng phó thiên tai; phải gắn công tác bảo đảm phòng, chống dịch với công tác chỉ đạo ứng phó khắc phục hiệu quả thiên tai tại các địa phương có dịch.

Theo baodongnai.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: