Chủ động thích ứng điều kiện sản xuất bất lợi

Đăng ngày: 30-06-2022 | Lượt xem: 2095
Sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân TP Cần Thơ đã khẩn trương tiến hành vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ thu đông nhằm đảm bảo thu hoạch lúa trước khi nước lũ về. Tình hình thời tiết và nhiều loại dịch hại dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa đến sản xuất; giá phân bón và nhiều loại vật tư nông nghiệp đang tăng cao... Điều này, đòi hỏi nông dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đảm bảo vụ mùa ăn chắc.

Nhiều bất lợi

Sản xuất lúa vụ thu đông 2022 tại xã Đông Bình, huyện Thới Lai.

Năm nay, nước lũ dự báo về chậm và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, thuận lợi cho sản xuất lúa thu đông. Song, tình hình thời tiết và sâu bệnh hại lúa vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, mưa bão kết hợp với triều cường dâng cao có thể gây ngập úng cho các vùng sản xuất lúa có hệ thống đê bao chưa tốt nếu nông dân không quan tâm gia cố kịp thời và chủ động phương tiện bơm tác nước. Do biến đổi khí hậu, các yếu tố thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều cũng gây tác động xấu cho sản xuất như giông lốc, mưa gió, nắng nóng với nền nhiệt cao… Vụ này, nông dân sản xuất lúa cũng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo và nâng cao hiệu quả sản xuất trong bối cảnh giá phân bón, nhân công và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao.

Anh Lê Văn Tuấn ngụ khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tôi có 6,5 công lúa sạ giống OM 5451 đã được 24 ngày tuổi, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, tôi chưa phun thuốc trừ sâu lần nào. Song, vụ này chi phí sản xuất sẽ cao bởi giá vật tư đầu vào đang ở mức rất cao. Từ nay đến thu hoạch lúa còn khoảng hơn 2 tháng nữa, trong khi tình hình thời tiết và sâu bệnh còn diễn biến phức tạp nên tôi phải theo sát đồng ruộng để kịp thời chăm sóc, bảo vệ lúa”. Ông Nguyễn Minh Ẩn, ngụ ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cũng cho biết: “6 công lúa sạ giống OM 18 đã được 15 ngày tuổi, lúa đang phát triển tốt. Năm nay, dự báo lũ về không nhiều nhưng tôi phải chủ động gia cố lại bờ bao và xuống giống sớm nhằm tránh nguy cơ lúa bị đe dọa bởi lũ. Tôi cũng lo lúa vụ 3 khó đạt năng suất cao do gặp thời tiết bất lợi, cũng như do nông dân phải hạn chế bón phân cho lúa vì giá phân bón đang ở mức quá cao. Hiện tôi phải mua phân bón Kali và DAP với giá từ 1-1,3 triệu đồng/bao, còn Urê với giá trên dưới 800.000 đồng/bao 50kg, cao hơn gấp đôi so với các năm trước”.

Áp dụng các biện pháp đồng bộ

Đến ngày 22-6, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống được hơn 47.900ha lúa thu đông 2022, sớm hơn 26.318ha so với cùng kỳ năm trước. Các trà lúa thu đông chủ yếu mới sạ và ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Hiện nông dân tại nhiều quận, huyện đang tiếp tục thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất và các công tác chuẩn bị để tiếp tục xuống giống thêm các diện tích lúa thu đông. Vụ thu đông này, toàn thành phố dự kiến gieo trồng đạt 59.000ha lúa.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ thu đông năm nay dù có lượng mưa được dự báo ít nhưng khả năng xuất hiện những đợt mưa cực đoan với dung lượng lớn. Để hạn chế thiệt hại do mưa bão và khả năng bị ảnh hưởng của lũ vào cuối vụ, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con khi chuẩn bị xuống giống vụ thu đông cần hết sức chú ý khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, kết hợp đánh rãnh thông thoáng mặt ruộng và thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, thu bắt ốc bươu vàng. Sử dụng giống đạt chuẩn từ cấp xác nhận trở lên để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Hiện giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang ở mức cao, để giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, nông dân cần giảm lượng sử dụng giống, với lượng sử dụng từ 80-100kg/ha để tạo điều kiện cho việc giảm công chăm sóc và giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV về sau. Không nên vì sợ mưa, sợ ốc bươu vàng mà sử dụng quá nhiều lượng giống để gieo sạ trừ hao, thay vào đó cần chủ động gieo mạ ở những vị trí phù hợp để đáp ứng nhu cầu khi có tình huống cần giặm lúa. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương cần chú ý hướng dẫn nông dân áp dụng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng”, thực hiện giải pháp tưới “ngập, khô xen kẽ”… Trong vụ thu đông 2022, tình hình tiêu thụ lúa tiếp tục có những diễn biến khó lường. Do đó, bà con nông dân cùng các hợp tác xã và ngành chức năng các địa phương cũng phải chủ động tăng cường liên kết, kết nối với các chủ máy gặt đập liên hợp và các doanh nghiệp, kênh tiêu thụ hàng để đảm bảo đầu ra, hạn chế rủi ro trong khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa.

Để tránh bùng phát, lây lan của các loại dịch hại nguy hiểm và đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2022, ngay từ khá sớm, Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương vận động, hướng dẫn nông dân làm đất kỹ và xử lý rơm rạ bằng các chế phẩm sinh học (nấm Trichoderma) để tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ và đảm bảo thời gian giãn vụ tối thiểu 3 tuần nhằm “cắt đứt” các mầm sâu bệnh. Đồng thời, căn cứ diễn biến rầy nâu, kết hợp với chế độ thủy văn và khung thời vụ của thành phố để xây dựng lịch thời vụ xuống giống tại địa phương, đảm bảo tốt “né rầy”, hạn chế chi phí bơm tưới đầu vụ và tránh lũ cuối vụ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chu-dong-thich-ung-dieu-kien-san-xuat-bat-loi-a148471.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: