Ứng phó từ sớm, từ xa
Năm 2020, vào thời điểm này, các kênh nội đồng trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cạn nước, nông dân “đứng ngồi không yên” vì cần nước ngọt “cứu” lúa. Còn năm nay, nhờ chủ động trong việc tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nên mực nước trong các kênh nội đồng vẫn còn nhiều, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân.
Cống Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ) được sửa chữa nhằm tăng khả năng trữ nước, phục vụ sản xuất và dân sinh
Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đầu tư xây dựng 9 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí trên 7,2 tỉ đồng; trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy các kênh, rạch tại 10 xã, thị trấn, tổng kinh phí trên 880 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các giải pháp ứng phó hạn, mặn; hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm tiết kiệm nước, tránh bị thiệt hại do thiếu nước; phối hợp các ngành chuyên môn kiểm tra chất lượng nước trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để vận hành các cống đầu mối, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2023-2024.
Nông dân huyện Tân Trụ chăm sóc lúa Đông Xuân 2023-2024
Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung thông tin: “Hàng năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn; phối hợp huyện Thủ Thừa và TP.Tân An sẵn sàng bơm tích nước vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, bảo đảm sản xuất cho người dân. Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, tuyệt đối không gieo sạ trễ nhằm tránh tình trạng thiếu nước sản xuất vào cuối vụ”.
Huyện Bến Lức là địa phương trồng chanh nhiều nhất tỉnh, với diện tích khoảng 7.000ha. Mùa vụ năm 2019-2020, huyện có diện tích chanh bị ảnh hưởng khoảng 2.000ha, thiệt hại từ 30% trở lên. Bên cạnh những nông dân có diện tích bị ảnh hưởng thì cũng có những nông dân, hợp tác xã (HTX) “thắng lợi kép” trong mùa hạn, mặn năm 2019-2020, vì vừa né được hạn, mặn, bảo vệ được diện tích sản xuất, vừa trúng mùa, trúng giá. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức).
Với kinh nghiệm từ các mùa hạn, mặn những năm trước và sự chủ động theo dõi tình hình diễn biến hạn, xâm nhập mặn năm nay. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Cụ thể, từ tháng 9, HTX đã bón phân hữu cơ cho cây; tháng 10 bắt đầu để cỏ quanh gốc chanh, tuyệt đối không cắt tỉa để bảo vệ rễ cám; tưới nước ban ngày chuyển sang buổi tối để nước không bốc hơi, tiết kiệm nước; nạo vét kênh tích trữ nước ngọt.
Nông dân trồng chanh chủ động trữ nước trong vườn và để cỏ dưới gốc chanh để tăng độ ẩm (ảnh tư liệu)
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết: “Vào mùa khô, khi nhiệt độ tăng lên khoảng 32-33oC thì cây rất dễ mất nước, lá thường bị tóp lại. Vì vậy, chúng tôi chủ động giữ một lớp cỏ dưới gốc chanh nhằm tăng độ ẩm. Đồng thời, chúng tôi còn pha dung dịch phân bón lá vào nước để tưới cho cây sau khi mặt trời lặn nhằm giúp bộ rễ của chanh phát triển tốt”.
Còn tại huyện Thủ Thừa, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu trên 2 sông: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Theo dự báo, tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn ra nếu giống năm 2015-2016, huyện có tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng trong mùa khô năm 2023-2024 là khoảng 3.200ha, trong đó, lúa 2.500ha, chanh 320ha, mai 225ha, cây ăn trái các loại 155ha.
Tân Thành là xã nằm cuối nguồn nước của huyện Thủ Thừa, không có nhiều kênh, rạch, trong khi đó, xã là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp tương đối lớn (gần 3.300ha), với các loại cây như chanh, lúa, mai vàng,... Do đó, xã thường xuyên gặp tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nếu không có các phương án ứng phó từ sớm, từ xa.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: “Để ứng phó với hạn, mặn năm nay, địa phương tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn xã; phối hợp các ngành chức năng của huyện, thường xuyên theo dõi chất lượng nguồn nước để kịp thời thông báo đến nông dân nhằm chủ động trong sản xuất”.
Rút kinh nghiệm từ các mùa hạn, mặn trước, ông Nguyễn Văn Là (ấp 3, xã Tân Thành) thường xuyên theo dõi tình hình độ mặn trên các trang thông tin điện tử để kịp thời bơm tích trữ nước trong các ao, mương xung quanh nhà trước khi độ mặn vượt ngưỡng 1g/l. Ngoài ra, ông còn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như cắt tỉa các cành già, giữ cỏ xung quanh gốc,...
Chủ động các giải pháp
Toàn tỉnh hiện có 5.452 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp
Thông tin từ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện toàn tỉnh có 5.452 công trình với năng lực phục vụ trên 300.000ha. Trong đó, cấp tỉnh quản lý trên 400 công trình; cấp huyện quản lý trên 5.050 công trình. Toàn tỉnh có 5 hệ thống công trình thủy lợi, gồm: Bảo Định - Bà Lý phục vụ liên tỉnh Long An - Tiền Giang; Nguyễn Văn Tiếp - Bắc Đông phục vụ liên tỉnh Long An - Tiền Giang; Nhựt Tảo - Tân Trụ phục vụ các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa; Rạch Chanh - Trị Yên phục vụ các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc; thủy lợi Phước Hòa phục vụ huyện Đức Hòa. Thời gian qua, các công trình thủy lợi trên từng bước phát huy hiệu quả như tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất vào mùa hạn, mặn, ngăn triều cường, tháo chua rửa phèn.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi - Trang Tấn Tài, để ứng phó với mùa hạn, mặn năm nay, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra 2 giải pháp là giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. Cụ thể, Trung tâm phối hợp các địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, đo đạc theo dõi diễn biến, tình hình trước xâm nhập mặn trên các trục sông chính và các tuyến kênh, rạch nội đồng; thường xuyên cập nhật các thông tin, dự báo, cảnh báo về thời tiết của các cơ quan chuyên môn trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh để các địa phương cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh biết và chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, thiếu nước.
“Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, thực hiện công tác nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước, bảo đảm không để người dân thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Trung tâm tăng cường phối hợp Ban Quản lý nguồn nước hệ thống Rạch Chanh, Nguyễn Văn Tiếp và đơn vị quản lý Âu tàu Rạch Chanh theo dõi, khắc phục các sự cố công trình, kiểm tra chất lượng nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn để sớm có biện pháp ứng phó” - ông Trang Tấn Tài thông tin.
Tin rằng, bằng sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ý thức của người dân, tỉnh tiếp tục thắng lợi trong mùa hạn, mặn năm 2023-2024./.
Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1,0g/l gần đến cống Rạch Chanh, huyện Bến Lức (0,9g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 55km. Độ mặn 4,0g/l vượt qua cống Đôi Ma, huyện Cần Đước (4,2g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 47km.Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 4,0g/l gần đến cống Sông Cui, huyện Châu Thành (3,2g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 42km.
Bùi Tùng