Lãnh đạo huyện Côn Đảo họp khẩn cấp tối 23/12 chuẩn bị phương án di dời 8.000 người tránh bão số 16
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo: Đến 18h ngày 23/12, các dự báo đều cho thấy bão số 16 có khả năng đi vào Nam Bộ. Nhiều khả năng, bão số 16 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo. Thời gian bão đổ bộ dự kiến từ trưa ngày 25-12 đến sáng hôm sau.
Trước thông tin bão số 16 sẽ đổ bộ vào huyện đảo Côn Đảo đầu tuần tới, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã lên phương án ứng phó với bão Tembin.
Theo đó, huyện Côn Đảo dự kiến sẽ di dời, sơ tán gần 1.800 người dân và 651 khách du lịch đến các trường học, trụ sở cơ quan, khách sạn kiên cố để tránh bão. Ngoài ra, huyện Côn Đảo sẽ tiến hành vận động, di dời khoảng 5.500 ngư dân từ tàu thuyền lên đảo và bố trí ngư dân vào trụ sở các cơ quan, đơn vị kiên cố để tránh bão. Việc thực hiện di dời ngư dân sẽ hoàn tất trước 12h ngày 24/12; việc thực hiện di dời, sơ tán người dân và khách du lịch sẽ hoàn tất trước 20h ngày 24/12.
Bên cạnh việc di dời dân, huyện Côn Đảo cũng đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng, cơ sở vật chất để sẵn sàng ứng phó với bão số 16, bao gồm: 142 xe ô tô, ca nô các loại; nước, thuốc, thức ăn; nhiên liệu và vật tư thiết yếu; điện; thông tin liên lạc;…
Cũng theo phương án này, huyện Côn Đảo đã đề ra một số công tác khắc phục sau bão, như: tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, các cơ quan, đơn vị và 10 khu dân cư.
Ông Lê Văn Phong - Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (người đứng) phát biểu tại cuộc họp khẩn tối ngày 23/12
Kết luận cuộc họp, ông Lê Văn Phong – Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giao Đồn Biên Phòng Côn Đảo tiếp tục kêu gọi, vận động các phương tiện đang neo đậu gần các đảo nhỏ di dời về khu vực Cảng Bến Đầm; phối hợp với các lực lượng liên quan như Công an, Ban quản lý Cảng Bến Đầm, Đội Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiên quyết di dời toàn bộ ngư dân lên bờ để tránh trú bão. Giao cho Phòng Kinh tế rà soát lại phương tiện, lực lượng và địa điểm có thể đáp ứng được yêu cầu và sẵn sàng ứng phó với bão số 16. Giao Ban quản lý các khu Du lịch rà soát, nắm chắc số lượng khách du lịch trên đảo để có phương án di dời khách đến nơi an toàn. Trong đó, cần lưu ý rà soát và di dời du khách đang lưu trú tại khách sạn phía trước biển, như: Sixsen, nhà nghỉ Thanh Niên, Nhà nghỉ Công Đoàn, Khách sạn Tân Sơn Nhất,…
Đề nghị các khu dân cư kịp thời thông báo tình hình và mức độ ảnh hưởng của bão số 16 đến nhân dân trên địa bàn; vận động các hộ đang ở nhà tạm, nhà xuống cấp di dời đến nơi an toàn; đồng thời, phối hợp với Phòng Kinh tế hướng dẫn người dân giằng néo, chèn chống nhà cửa, chủ động phòng chống bão; kiên quyết di dời các hộ vùng xung yếu, các hộ đang ở nhà tạm, nhà xuống cấp đến nơi an toàn, trong trường hợp người dân không chấp hành thì cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng cho nhân dân.
Các đơn vị Công an, ban chỉ huy quân sự huyện, Biên phòng,… chuẩn bị và duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm giữ vững ANCT – TTAT xã hội trên toàn địa bàn huyện trước, trong và sau bão.
Ông Lê Văn Phong – Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo nhấn mạnh: ‘’Là huyện đảo cách xa đất liền, hơn bao giờ hết, lúc này thành viên Ban chỉ huy, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn huyện cần phát huy và thực hiện tốt phương châm ‘’4 tại chỗ’’ để phòng, chống bão Tembin nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và giảm thiểu mức thiệt hại về tài sản của cá nhân và tổ chức. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện để kịp thời xử lý, giải quyết các tình huống có thể xảy ra.’’.
Nhãn
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG – CƠN BÃO SỐ 16
Tối 23/12, bão Tembin đã đi qua đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào khu vực Biển Đông, cơn bão số 16.
Hồi 22 giờ ngày 23/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,8 độ Vĩ Bắc; 116,6 độKinh Đông, trên khu vực phía Namđảo Pa-la-oan (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 22 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Côn Đảo và vùng ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h).
Nguồn: Báo TN&MT